Xây nhà có phải ký giáp ranh với hàng xóm liền kề không? Trường hợp xảy ra tranh chấp trên thửa đất chuẩn bị xây nhà thì gia chủ giải quyết như thế nào? Trong bài viết này, Kiến trúc Tây Hồ tiếp tục sẽ cập nhật thêm các thủ tục dựa trên cơ sở pháp lý để gia chủ nắm rõ trước khi thi công. Tránh tình trạng tranh chấp xảy ra, làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Xây nhà có phải ký giáp ranh với hàng xóm không?
Biên bản ký giáp ranh được thực hiện trong 2 trường hợp:
- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
- Yêu cầu bổ sung hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai giữa 2 nhà liền kề.
Như vậy không có trường hợp xây nhà phải ký giáp ranh trong các yêu cầu trên. Trường hợp mảnh đất đang làm thủ tục cấp sổ đỏ nhưng hàng xóm không ký giáp ranh? Vậy gia chủ vẫn được nộp hồ sơ cấp sổ đỏ để các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Không có quy định từ chối tiếp nhận hồ sơ khi hàng xóm không ký giáp ranh. Điều này được quy định rất rõ tại Khoản 11, Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT.
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư mới nhất Số: 25/2014/TT-BTNMT, ký giáp ranh không phải là thủ tục bắt buộc khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.
Kết luận, xây nhà không cần phải ký giáp ranh với hàng xóm liền kề nếu thực hiện trên mảnh đất đã được cấp sổ đỏ, tuân thủ các quy định về tỷ lệ, khoảng cách.
Bài viết liên quan: Chuyển nhượng đất có cần ký giáp ranh không?
Làm gì khi hàng xóm cản trở quá trình xây nhà?
Rất nhiều gia chủ gặp phải trường hợp bị hàng xóm cản trở quá trình xây nhà do những tranh chấp đất đai tại khu vực giáp ranh chưa được giải quyết. Vậy gia chủ cần làm gì khi gặp phải tình huống như vậy?
Khi có sổ đỏ, các giấy tờ chứng nhận đúng quy định tại Điều 100, Luật Đất đai nhưng có tranh chấp, người sở hữu đất sẽ tiến hành theo các bước sau:
Cố gắng hòa giải
Cần ưu tiên phương pháp hòa giải giữa các bên. Chủ nhà và hàng xóm liền kề cần bình tĩnh, ngồi nói chuyện, đưa ra giải pháp tốt nhất trên ranh giới thửa đất.
Trường hợp không thể hòa giải, sẽ tiến hành các bước tiếp theo nhờ sự can thiệp của UBND, tổ hòa giải ở địa phương.
Nộp hồ sơ lên văn phòng đăng ký đất đai
Bộ hồ sơ sẽ bao gồm cả giấy xác nhận hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất.
UBND xã, phường sẽ niêm yết công khai hiện trạng thử đất cũng như tình trạng tranh chấp đang diễn ra trong thời hạn 15 ngày để xem xét.
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính hiện trạng đất.
Nếu như ranh rới thực tế của thửa đất và đường ranh giới chung thể hiện trên giấy tờ không thay đổi thì đơn vị đo đạc sẽ lập 02 bản mô tả. Một bản dùng lưu tại hồ sơ đo đạc, một bản gửi UBND cấp xã để tiến hành các bước giải quyết tranh chấp tiếp theo.
UBND cấp xã sẽ thông báo để người sử dụng đất đến ký nhận. Trường hợp hàng xóm vắng sau 15 ngày thông báo và không có khiếu nại tiếp theo, ranh giới của các thửa đất sẽ được xác định như bản mô tả đã lập. Người dẫn đạc sẽ ký xác nhận vào biên bản và ghi rõ lý do người sử dụng đất liền kề không xác nhận.
Khi đó, gia chủ vẫn được xây dựng như bình thường. Vì trường hợp này, hàng xóm không có quyền tranh chấp đất.
Khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự
Tiếp đó sẽ giải quyết tranh chấp, cản trở theo thủ tục tố tụng dân sự.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ giấy tờ khởi kiện
01 bộ hồ sơ khởi kiện sẽ gồm các giấy tờ sau:
- Đơn khởi kiện tranh chấp theo mẫu
- Các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100
- Biên bản hòa giải có chứng nhận của UBND xã nơi có tranh chấp
- Giấy tờ của người khởi kiện: Căn cước công dân, sổ hộ khẩu
- Giấy tờ khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự
Bước 2: Nộp đơn kiện
- Nơi nộp đơn: Tòa án nhân dân cấp huyện ở khu vực đất có tranh chấp
- Hình thức: Nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện.
- Lệ phí: Tòa sẽ thông báo tạm ứng lệ phí
- Sau khi hoàn thành các bước trên, Tòa án sẽ thụ lý.
Bước 3: Xét xử
- Thời gian: 04 tháng. Nếu vụ việc có tính chất phức tạp thì gia hạn không quá 02 tháng theo Điều 203 Bộ Luật tố tụng dân sự.
- Tòa án sẽ tổ chức hòa giải. Nếu các bên không hòa giải, Tòa sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm.
- Sau khi có bản án sơ thẩm, các bên tranh chấp sẽ có quyền kháng cáo nếu không đồng ý với quyết định của Tòa án.
Xây nhà liền kề nhà hàng xóm, cách giải quyết đẹp cả đôi bên
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; “Hàng xóm tắt lửa, tối đèn có nhau”. Tình làng nghĩa xóm luôn được đề cao, không ai muốn có bất kỳ ác cảm nào với nhau, Vì vậy để tránh mất lòng hàng xóm khi xây nhà liền kề, sát vách, gia chủ nên giải quyết sớm bằng một số phương án sau:
- Chủ động liên hệ với hàng xóm ở các công trình liền kề để thảo thông báo về việc xây nhà.
- Đồng thời ghi hình lại hiện trạng nhà hàng xóm, có biên bản kèm theo, có người thứ 3 xác nhận.
- Nếu việc xây nhà làm ảnh hưởng, sập/ hỏng/ thủng tường/ thấm dột, gia chủ cần có biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt. Tránh làm mất tình làng nghĩa xóm.
Kết luận
Xây nhà có phải ký giáp ranh không? Ký giáp ranh không phải là thủ tục bắt buộc khi cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và xây nhà. Do đó không thể vì một cá nhân, hộ gia đình cản trở, gây khó dễ mà gia chủ không được xây nhà khi có đủ các điều kiện theo quy định.