Những cách lấy ánh sáng cho nhà ống hiệu quả

Ánh sáng tự nhiên đóng vai trò quan trọng, có tác động trực tiếp đến nhận thức và cảm giác về không gian sinh hoạt, hưởng thụ. Thế nhưng không phải nhà nào cũng được ưu ái như vậy! Nhất là nhà ống, nhà trong phố! Khi bao xung quanh 3 mặt là những lô cốt bê tông cao tầng, vững chắc. Vậy thì cách lấy sáng cho nhà ống nào hiệu quả để đưa ánh sáng vào trong nhà?

Dưới đây là một số cách lấy ánh sáng cho nhà ống hiệu quả. Đó là những kinh nghiệm thực tế của KTS Trần Hoàng. Gia chủ tham khảo thêm.

Lấy sáng – Chuyện muôn thuở của nhà ống trong phố

Nhà ống là kiểu nhà quen thuộc ở Việt Nam. Phổ biến tại các khu dân cư đông đúc, đất phân lô, chia khoảng. Đặc trưng của những mẫu nhà này là chiều sâu hun hút, trong khi mặt tiền hẹp ngang. Không chỉ gây khó khăn trong việc bố trí công năng mà vấn đề được nhắc đến nhiều nhất chính là thiếu sáng.

kts-tu-van-cach-lay-sang-cho-nha-ong.jpgKTS Trần Hoàng tư vấn cách lấy sáng cho nhà ống hiệu quả nhất.

Bởi lẽ gần như 3 mặt (hai bên và phía sau) đều đã hoặc sẽ bị bao bọc bởi những căn nhà xung quanh. Chỉ có mặt tiền và trên mái tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, không gian bên ngoài. Thậm chí nhiều căn nhà ống xây trong ngõ hẻm, mặt tiền cũng bị hạn chế rất nhiều. Thiếu sáng khiến nhiều gia đình cảm thấy tù túng, ảm đạm, bí bách. Thiếu sáng còn ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của những người sống trong đó.

Vị trí, diện tích đất là phần ta không thể thay đổi. Thế nhưng cũng cần nhìn nhận một số yếu tố sau làm ảnh hưởng đến ánh sáng của nhà ống.

Nhà ống trong phố mắc kẹt trong lô cốt bê tông

Nhà ống là kiểu nhà đặc trưng ở các khu đô thị đất chật người đông. Theo thống kê, nhà ống chiếm đến 70 – 80% quỹ nhà ở đô thị. Để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, những căn nhà này được xây san sát nhau, thậm chí là chung tường. Ngõ, ngách, hẻm chằng chịt, sâu hun hút khiến cho các công trình nhà ở càng trở nên lộn xộn. Nhà bị bao xung quanh 4 phía bởi những căn nhà của hàng xóm.

vi-sao-nha-ong-can-lay-them-anh-sang.jpg

Có thể nói bởi nhà ống trong phố bị mắc kẹt giữa lô cốt bê tông nên nguồn lấy sáng cho mỗi nhà càng bị thu hẹp.

Phải ưu tiên chồng tầng để đảm bảo công năng sinh hoạt

Do diện tích chật hẹp nên hầu hết mọi người đều muốn tận dụng tối đa diện tích đất mua được để bố trí công năng sinh hoạt. Nhà chồng tầng, nhiều phòng ốc kín được bịt kín đáo bởi các bức tường bê tông, không gian sinh hoạt chung bị thu hẹp. Vậy tính trạng tối tăm bí bách là điều không thể tránh khỏi.

nguyen-nhan-nha-ong-thieu-sang

Thậm chí ngay cả miếng đất không được vuông vắn, gia chủ vẫn cố “lái theo” khiến công trình bị xiên xẹo, mất thẩm mỹ.  Chấp nhận đánh đổi ánh sáng tự nhiên để ưu tiên bố trí công năng sử dụng.

Ngay từ kiểu dáng thiết kế ban đầu đã là hạn chế cho ánh sáng lọt qua

Song không thể phủ nhận ngay từ kiểu sáng thiết kế đặc trưng của nhà ống cũng đã là một hạn chế cho việc lấy sáng. Hai bên gần như là bức tường bê tông phẳng lì. Bên cạnh là nhà của hàng xóm thì việc mở cửa sổ không khả quan, đành phải bịt kín mít. Thậm chí cả sau và trước nhà cũng gặp phải tình trạng tương tự. Vậy đâu sẽ là giải pháp lấy sáng hiệu quả cho nhà ống?

Những cách lấy sáng cho nhà ống hiệu quả, dễ làm

Sử dụng kính cường lực hoặc gương trong suốt

Sử dụng kính cường lực trong suốt tại các ô cửa kính lớn. Đây là giải pháp hiệu quả được áp dụng phổ biến để lấy sáng cho nhà ống. Kính cường lực trong suốt thay thế những bức tường bê tông thô kệch tại nhiều vị trí, mảng tường, sân vườn phía sau… Ngoài ra, chủ nhà có thể dùng kính để làm cửa ra vào, cửa sổ, vách ngăn.

su-dung-kinh-cuong-luc-lay-sang-cho-nha-ong.jpg

Táo bạo hơn, nhiều gia đình còn muốn sử dụng cầu thang kính, hành lang kính. Mục đích để tạo cảm giác “thông tầng” từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, ngoài vật liệu thì cần đặc biệt chú ý đến kỹ thuật. Vì chỉ một chút sai sót có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Tận dụng hiệu ứng của màu sơn

Sơn tường nội thất là một yếu tố quan trọng khi thiết kế không gian. Nó có tác động trực tiếp đến tâm lý, cảm xúc, thị giác và cả ánh sáng trong phòng. Nếu các phòng trong nhà phố chật hẹp, gia chủ nên sơn trần và tường phía sau cùng một màu, gam màu tối hơn 2 bức tường hai bên. Nó sẽ giúp căn phòng trông rộng rãi, thông thoáng hơn.

su-dung-hieu-ung-mau-son-cho-nha-ong.jpg su-dung-hieu-ung-mau-son.jpg

Để mở rộng không gian hơn nữa, toàn bộ trần, tường phía sau và tường 2 bên sử dụng một gam màu sơn sáng – thường là màu trắng, be nhạt. Những màu sắc này sẽ có khả năng phản chiếu ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ, cửa chính.

Sử dụng lam gỗ lấy sáng

Sử dụng lam gỗ lấy sáng ở cả kiến trúc bên ngoài và nội thất bên trong cho nhà ống. Sự xuất hiện của lam gỗ thường gắn với phong cách hiện đại, tối giản. Lam gỗ có thể thay thế mảng bê tông cứng nhắc ở mặt tiền kiến trúc và các khu vực vách ngăn phân chia.

Ở mặt tiền kiến trúc đón nắng, gia chủ có thể linh hoạt thay đổi kiểu sắp xếp lam gỗ, không nhất thiết phải là các thanh thẳng đều tăm tắp từ trên xuống. Trong các không gian nội thất (thường là phân chia giữa phòng khách và phòng bếp), cũng sử dụng tương tự, linh hoạt.

su-dung-lam-go-lay-sang-cho-nha-ong.jpg

Ánh sáng xuyên qua lam gỗ đi vào nhà đã được giảm bớt cường độ nóng và tia UV. Nhờ đó, không gian trong nhà vẫn đủ ánh sáng mà không bị quá chói chang, khó chịu. Các món đồ nội thất trong nhà vẫn được bảo vệ.

Gia chủ có thể lựa chọn các mẫu lam nhựa giả gỗ hoặc lam nhôm. Tuy nhiên, lam nhựa giả gỗ vẫn chiếm ưu thế hơn cả về giá trị thẩm mỹ. Ngoài vật liệu, chủ nhà cần quan tâm thêm đến màu sắc của lam gỗ nhựa, đảm bảo hài hòa với tổng thể không gian.

Thiết kế nhà ống lệch tầng, giải pháp lấy sáng và thẩm mỹ

Nhà lệch tầng là kiểu nhà có mặt sàn chênh lệch độ cao giữa các tấm hoặc các không gian chung riêng. Sự chênh lệch độ cao này sẽ giúp cho ánh sáng và gió được lưu thông, khuếch tán đều khắp các phòng. Căn nhà thêm thông thoáng, dễ chịu. Với những căn nhà trong có có diện tích mặt tiền hẹp chỉ 3 – 4m, KTS Trần Hoàng ưu tiên giải pháp kiến trúc lệch tầng phong cách hiện đại.

thiet-ke-nha-lech-tang-de-lay-sang-hieu-qua.jpg

Thông thường với một căn nhà lệch tầng, cầu thang sẽ được bố trí ở giữa. Cầu thang có chức năng làm hành lang giao thông đi lại, dẫn tới tất cả các phòng. Phía trên mái cầu thang, sử dụng gạch kính trong suốt giúp ánh sáng tự nhiên đi xuyên qua, len lỏi vào tất cả các phòng.

Tuy nhiên, so với các mẫu nhà ống cũ thì nhà lệch tầng yêu cầu kết trúc rườm rà, phức tạp, đòi hỏi các tiêu chuẩn kỹ thuật, kết cấu chính xác tuyệt đối.

Thiết kế nội thất tối giản – ưu tiên ánh sáng, thông thoáng

thiet-ke-noi-that-toi-gian-de-lay-sang.jpg

Sử dụng nội thất tối giản giúp tiết kiệm diện tích các phòng, giúp ánh sáng được lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, ở những khoảng thông thoáng chừa ra, gia chủ có thể đặt thêm cây xanh, tăng sinh khí cho căn phòng.

Thiết kế giếng trời lấy sáng cho nhà ống

Thiết kế giếng trời được xem như “mốt” của những căn nhà ống hẹp ngang, sâu hun hút, nhiều tầng. Đây không chỉ là giải pháp lấy sáng hiệu quả mà còn là điểm nhấn làm tăng thêm tính thẩm mỹ, gắn kết con người với không gian thiên nhiên.

thiet-ke-gieng-troi-lay-sang-cho-nha-ong.jpg

Nhà phố diện tích chật hẹp, hầu hết đã được tận dụng tối đa để xây nhà. Vì thế, giếng trời còn là nơi để nhiều gia đình thỏa sức lên ý tưởng trang trí. Đó là thêm bể cá, thác tràn, làm vườn sinh thái… để được hít thở cùng thiên nhiên.

gieng-troi-lay-sang-cho-nha-ong.jpg

Tuy nhiên, để thiết kế giếng trời hiệu quả, gia chủ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về mặt thiết kế. Nhà ống cần 1 hay 2 giếng trời? Đặt giếng trời ở đâu, diện tích bao nhiêu, kiểu dáng ra sao? Sử dụng vật liệu gì? Trang trí khu vực giếng trời như thế nào? Nói tóm lại, giếng trời cần được nghiên cứu trong tổng thể hình khối kiến trúc của ngôi nhà.

Tạo thêm khoảng thông tầng cho nhà ống

Tạo nên những khoảng thông tầng, chấp nhận thu hẹp diện tích các phòng riêng để thiên nhiên và ánh sáng có thể len lỏi vào tất cả các tầng. Đây là một trong những giải pháp lấy sáng hiệu quả cho nhà ống.

thiet-ke-thong-tang-giup-lay-sang-hieu-qua.jpg

Thu hẹp các phòng riêng không đồng nghĩa với việc các chức năng sinh hoạt bị đảo lộn hay không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Gia chủ cần phải hiệu thực chất khi phòng riêng thu hẹp thì không gian sinh hoạt chung được mở rộng.

thiet-ke-thong-tang-lay-sang.jpg

Gia chủ có thể tận dụng sàn của những khoảng thông tầng này làm khu sinh hoạt chung cho gia đình, con cái. Như vậy, không chỉ ánh sáng có cơ hội len lỏi qua từng phòng mà gia đình tăng thêm phần gắn kết.

Sử dụng gạch kính hoặc gạch hoa gió

Gạch kính, gạch hoa gió là vật liệu tận thu ánh sáng tự nhiên tương đối hiệu quả. Lại góp phần làm tăng tính thẩm mỹ của ngôi nhà. Chính vì vậy, không chỉ với nhà ống, gạch hoa gió còn xuất hiện ở rất nhiều công trình biệt thự vườn, biệt thự nghỉ dưỡng, homestay…

su-dung-gach-kinh-gach-hoa-gio.jpg

Gạch hoa gió có thể thay thế nhiều mảng tường bê tông ở mặt tiền kiến trúc nhà phố. Ngoài ra, các khu vực thông tầng, vách ngăn cách cũng có thể dùng gạch hoa gió. Cũng giống như lam nhựa giả gỗ, gạch kính hoặc gạch hoa gió có những ô thông thoáng để ánh sáng tự nhiên lọt qua. Tuy nhiên, lượng ánh sáng đã được khuếch tán bớt nên tương đối dịu nhẹ, thoáng đãng, giảm thiểu sự bí bách cho không gian.

Thiết kế nhà ống không gian mở

Thiết kế không gian mở áp dụng cho những người đang nhen nhóm ý định xây nhà phố hoặc cải tạo nhà phố. Cách này sẽ tác động trực tiếp đến kết cấu kiến trúc. Do đó, gia chủ cần tính toán kỹ lưỡng hơn, đảm bảo an toàn và công năng sử dụng.

Vậy với nhà ống, có thể thiết kế không gian mở như thế nào để ánh sáng xuyên qua tối ưu nhất?

thiet-ke-khong-gian-mo-cho-nha-ong.jpg

Trước tiên, gia chủ cần hiểu không gian mở là một không gian mà có thể kết nối trực quan giữa các khu vực với nhau. Nhờ đó mà không gian sinh hoạt bên trong trở nên rộng thoáng. Thiết kế nhà không gian mở đang là một trong những xu hướng được ưu tiên hơn cả đối với nhà ống diện tích khiêm tốn.

Một không gian mở sẽ là sự kết hợp của nhiều yếu tố: thông tầng, giếng trời, gạch hoa gió, lam nhựa giả gỗ, màu sắc của sơn tường, nội thất, đưa thiên nhiên vào nhà, sử dụng kính.

Không chỉ nhà ống nhiều tầng mà xu hướng không gian mở cũng là cách lấy sáng cho nhà ống cấp 4 hiệu quả.

Sử dụng trần xuyên sáng

Trường hợp không thể tác động làm thay đổi kiến trúc bên ngoài? Vậy thì gia chủ có thể dùng trần xuyên sáng để lấy sáng cho không gian nội thất. Đây là cách lấy ánh sáng nhân tạo cho nhà ống cũng được áp dụng phổ biến Trần xuyên sáng (trần căng xuyên sáng) sử dụng đặc điểm khúc xạ ánh sáng kết hợp với các bức tranh 3D nội dung sinh động, tươi mới, sắc nét. Trần xuyên sáng được lắp đặt trên trần nhà.

lam-tran-xuyen-sang-cho-nha-ong.jpg

Bên trong trần sử dụng các loại đèn như: Đèn LED, đèn neon, sợi quang… Ánh sáng từ trần này có thể tán đều từ 40 – 90% tùy theo yêu cầu của chủ nhà. Nhờ đó, căn phòng sẽ không còn cảm giác u ám, mà tràn đầy năng lượng, ánh sáng ngay cả khi ngoài trời mưa bão.

Để đón ánh sáng tự nhiên, ngoài việc tối ưu không gian, bổ sung các khu vực như thông tầng, giếng trời… thì vật liệu đóng góp một phần quan trọng. Cụ thể những vật liệu lấy ánh sáng cho nhà nào được sử dụng phổ biến hiện nay? Bạn có thể tham khảo bài viết: Những vật liệu lấy ánh sáng cho nhà hiệu quả, giá rẻ

Ánh sáng tự nhiên không có lỗi … Nhưng cần lưu ý khi vận dụng

So sánh trên tất cả các kiểu kiến trúc nhà ở thì có vẻ như nhà ống là thiệt thòi nhất khi chẳng thể tiếp cận tối đa ánh sáng tự nhiên. Song, tùy vào từng trường hợp cụ thể, chúng ta luôn có cách để lấy ánh sáng cho nhà ống một cách hiệu quả.

lay-sang-cho-nha-ong-hieu-qua.jpg

Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Nguồn ánh sáng tự nhiên cũng vậy. Ánh sáng dư thừa có thể gây chói mắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sức khỏe. Vận dụng ánh sáng vào phòng khách không khéo léo có thể khiến cho các món đồ nội thất nhanh bị hư hại.

Đón sáng cũng đồng nghĩa với việc đón nắng nóng. Các bề mặt kính cường lực vào mùa hè sẽ là nguồn thu nhiệt, tạo hiệu ứng lồng kính. Và cuối cùng, làm cho căn nhà trở nên nóng bức, khó chịu.

Quá phục thuộc vào ánh sáng cũng không phải là điều tốt. Khi thời tiết âm u, thiếu sáng, những khu vực đó sẽ trở nên tối tăm, bất tiện trong sinh hoạt.

Suy cho cùng, ánh sáng tự nhiên không có lỗi, lỗi là ở cách ta khai thác và sử dụng. Khi không để điều chỉnh nguồn sáng thì chỉ có thể điều chỉnh nơi tiếp nhận ánh sáng. Còn điều chỉnh ra sao, “lọc sáng” như thế nào thì lại phải tùy thuộc vào hiện trạng cụ thể của mỗi công trình.

Tóm lại

Trong hệ quy chuẩn của thiết kế kiến trúc nhà ống hiện đại, ánh sáng và thiên nhiên đóng vai trò quan trọng, tương tác trực tiếp với công trình. Ánh sáng tự nhiên sẽ giúp cho khối kiến trúc tăng thêm giá trị sử dụng và cả tính thẩm mỹ.  Với tôi, không một thứ ánh sáng nhân tạo nào có thể thay thế vẻ đẹp và giá trị sử dụng của ánh sáng tự nhiên.

Tất cả chúng ta đều được sử dụng ánh sáng tự nhiên một cách … miễn phí. Nếu ngôi nhà của bạn vẫn chưa thể cảm nhận được vẻ đẹp đó thì quả là đáng tiếc. Ngay hôm nay, hãy thử áp dụng một vài cách lấy sáng cho nhà ống mà KTS Trần Hoàng chia sẻ ở trên.

Chat zalo
Chat messenger
Liên hệ chúng tôi