Giếng trời được biết đến với chức năng lấy sáng, tạo thông gió tự nhiên và tăng thẩm mỹ cho ngôi nhà. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp do quá chú trọng đến thẩm mỹ mà quên mất nguyên tắc hút – thoát gió. Hệ quả gặp phải tính trạng gió quẩn, có giếng trời mà nhà vẫn nóng bức, bí bách. Để tận thu hiệu quả sử dụng, trong bài viết này, KTS Kiến trúc Tây Hồ tiếp tục chia sẻ nguyên tắc thông gió giếng trời. Gia chủ nên tham khảo, tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi thiết kế.
Giếng trời là gì?
Giếng trời là một khoảng không được “thông từ dưới đất lên trời”, đặt bên trong nhà. Nó thường được sử dụng trong nhà phố, nhà nhiều tầng có không gian nhỏ hẹp, thiếu sáng. Mục đích để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và tạo thông gió cho các không gian trong nhà cao tầng.
Giếng trời có cấu tạo như thế nào?
Giếng trời được cấu tạo gồm: Đỉnh, thân và đáy giếng.
- Đỉnh giếng trời: Được phân ra thành 2 loại: có mái và không có mái. Đây là khu vực trong tâm để thu ánh sáng và gió tự nhiên cho ngôi nhà.
- Thân giếng trời: Có nhiệm vụ phân tán ánh sáng và gió thu được từ đỉnh đến tất cả các không gian, khu vực chức năng trong nhà.
- Đáy giếng trời: Là bộ phận dưới cùng, áp sát với nền nhà. Tại đây, gia chủ có thể trang trí thêm tiểu cảnh, bể cá, trồng cây xanh… tăng tính thẩm mỹ cho toàn bộ không gian.
Chức năng của giếng trời trong thiết kế nhà ở
Giếng trời được thiết kế để tận dụng chiếu sáng và mang lại sự thông thoáng cho ngôi nhà của mình. Chừng 15 năm về trước, giếng trời không “mốt” như bây giờ. Kiến trúc nhà ở thời đó phần lớn là đơn giản. Việc thiết kế bởi kiến trúc sư khá xa vời.
Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, giếng trời đã trở thành một xu thế được rất nhiều gia đình lựa chọn. Thậm chí ngay cả những nhà biệt thự, nhà phố có mặt tiền rộng thoáng, nhiều nắng gió vẫn cứ làm giếng trời. Bởi vì ngoài các chức năng về mặt kỹ thuật, đây còn là một khu vực có tính thẩm mỹ cao, tạo điểm nhấn cho không gian nhà ở.
Với riêng nhà phố, mặt tiền nhỏ, diện tích xây dựng chật chội, giếng trời là một phần quan trọng để khắc phục sự bí bách của ngôi nhà.
Bài viết liên quan: Những cách lấy ánh sáng cho nhà ống hiệu quả
Nguyên tắc thông gió giếng trời
Nguyên tắc thông gió cho khu vực giếng trời
Nguyên tắc thông gió giếng trời là tạo ra luồng không khí đối lưu trong nhà – nguyên lý hai bình thông nhau. Có nghĩa là tạo đường đi cho khối không khí và ánh sáng dựa vào sự thay đổi áp suất theo nhiệt độ trong không khí. Theo đó, luồng gió mát sẽ được đưa từ trên đỉnh mái vào nhà, lan tỏa ra khắp các phòng. Còn khối khí nóng cũng sẽ đi ra ngoài.
Để đảm bảo giếng trời hoạt động theo đúng nguyên lý đối lưu ở trên, quá trình thiết kế cần phải được tính toán phù hợp. Tránh để gió quẩn, lợi bất cập hại. Theo đó, cả gia chủ và kiến trúc sư cần phải lưu ý:
- Không bố trí gió vào và gió ra ở cùng một phía. Điều này sẽ làm cho gió quẩn, không vào – ra liên tục được.
- Cửa hút gió đặt ở đầu gió và tại phía chân tường. Còn cửa để gió thoát sẽ đặt ở cuối của hướng gió và cao hơn trong phòng.
- Ở các không gian trong phòng sinh hoạt riêng, cần tính toán cửa đón gió và thoát gió để đảm bảo lưu thông tốt nhất. Hệ thống này nằm ở cửa chính, cửa sổ, ô thoáng. Thiết kế cửa sổ thoát gió càng lớn càng tốt, có thể có thể cửa đi thông ra ban công bên ngoài. Cần tránh thiết kế phòng ở chỉ mở ra từ một phía.
Nguyên tắc thiết kế giếng trời thông gió cho nhà phố, nhà ống
Nhà phố có các mặt đều sát nhà hàng xóm, gia chủ nên mở cửa ra cho gió ở phía sau nhà. Thiết kế bằng cách để chừa lại khoảng 60cm chiều rộng làm sân sau.
Nhà ống ngắn, nên bố trí một giếng trời. Và nó cũng chỉ giải quyết một nhiệm vụ là thoát luồng khí nóng ra bên ngoài. Còn điểm lấy gió vào là hệ thống cửa đi, cửa sổ tầng trệt. Gió sẽ vào theo phương nằm ngang của hướng gió. Đầy từ các cửa tầng trệt đi vào nhà, ép luồng khí nóng thoát ra theo phương thẳng đứng ở khu vực giếng trời.
Nhà ống dài, có thể bố trí 2 giếng trời, đặt ở giữa nhà và cuối nhà. Khi đó, thông gió sẽ đi thành đường parabol theo nguyên tắc cân bằng áp suất tự nhiên trong không khí. Cụ thể, một giếng trời đón gió mát vào và một giếng thời thoát gió nóng ra. Nhà càng dài hẹp thì càng nên bố trí nhiều giếng trời để đảm bảo đủ thông gió, chiếu sáng, không gian thông thoát, mát mẻ.
Trong tất cả các thiết kế trên, cần tạo thêm áp lực thêm từ những cửa thông thoáng ở mặt tiền, bên hông và phía sau nhà.
Bài viết liên quan: Những vật liệu lấy ánh sáng cho nhà hiệu quả
Kỹ thuật thiết kế xây dựng giếng trời
Thiết kế giếng trời cho nhà ở cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, chứ không phải hứng lên là làm. Gia chủ cần tính toán xem làm một hay mấy giếng trời? Vị trí ở đâu? Hướng như thế nào? Hình dáng ra sao? Trang trí xung quanh thế nào cho đẹp và phù hợp với mục đích sử dụng… Và quan trọng hơn cả, giếng trời phải phù hợp với kiến trúc không gian của ngôi nhà.
Về vị trí, hướng
Giếng trời có thể thiết kế ở nhiều vị trí khác nhau trong ngôi nhà. Có thể kết hợp ở cầu thang lên xuống hoặc đặt tại phòng bếp, giữa nhà. Trong đó bố trí ở giữa nhà kết hợp với cầu thang lên xuống là giải pháp được xem xét phổ biến hơn cả.
Về hướng, giếng trời phù hợp với hướng Đông Nam hoặc hướng Nam. Những hướng này sẽ đón được luồng gió mát mẻ vào mùa hè, tránh gió mùa đông bắc vào mùa Đông. Đồng thời cung cấp nguồn sáng ổn định cho ngôi nhà. Không nên làm giếng trời ở hướng Tây và Đông.
Hình dáng giếng trời
Thường thì nhà phố có thể tận dụng được tối đa 3 mặt của giếng trời. Mặt còn lại sẽ áp vào tường nhà.
Không phải tất cả các gia đình sẽ áp dụng chung một mẫu giếng trời. Có thể mẫu này hợp với nhà này, nhưng chưa chắc bê sang nhà kia đã hợp, ngược lại còn làm xấu thêm không gian. Vì vậy, hình dáng của giếng trời trong nhà cần phụ thuộc vào yêu cầu, năng lực tài chính của gia chủ; phụ thuộc vào công năng mặt bằng, phương pháp tổ chức không gian, kết cấu kiến trúc cụ thể của nhà ở.
Mái che giếng trời
Làm nhà vào mùa đông, giếng trời cứ mở “tênh hênh” để ngôi nhà được “chan hòa ánh nắng”. Nhưng đến mùa hè mới ngã ngửa vì nó quá khủng khiếp. Nào là nắng gắt, nóng nực, chói mắt, sàn gỗ cầu thang bị chiếu sáng quá mức dễ bị hư hỏng, cong vênh, bạc màu. Nào là mưa tạt, mưa hắt làm nước rơi xuống nhà.
Bản chất của giếng trời là “thông từ dưới đất lên trời” để lấy ánh sáng. Tuy nhiên, cũng cần có giải pháp mái che phù hợp để đảm bảo điều tiết mưa nắng khi thời tiết thay đổi.
Loại mái che được sử dụng phổ biến nhất là tấm lấy sáng polycarbonate. Ngoài ra còn có tôn, bạt, kính. Hiện nay trên thị trường còn có mái che thông minh điều kiện từ xa để linh hoạt đóng – mở điều tiết ánh sáng trong nhà.
Trang trí khu vực giếng trời
Phía dưới giếng trời nên trang trí gì? Có rất nhiều lựa chọn cho gia chủ. Đó có thể là trang trí cây cảnh nhỏ, trồng một cây cao lớn hoặc làm hồ cá mini, đài phun nước mini trong nhà, thiết kế vườn nhật, rải sỏi trắng xung quanh…
Trong không gian nhà phố chật hẹp, ồn ào, khói bụi; sân vườn gần như bị tận dụng hết để xây nhà thì việc có một không gian đầy cây xanh nắng gió trong nhà là như vậy là tương đối lý tưởng. Tại “khu vườn mini” này, chỉ cần đặt thêm vài chiếc ghế, một bàn trà, thư giãn tận hưởng bầu không khí trong lành, cảm nhận tia nắng ấm áp, bao muộn phiền dường như tan biến.
Tuy nhiên, dù trang trí gì ở khu vực giếng trời thì cũng nên chú ý chăm sóc kỹ lưỡng. Tính toán đến vấn đề dễ bị muỗi, ẩm thấp nếu trồng cây, nuôi cá. Ngoài ra còn cần có cả thời gian tưới tiêu, chăm sóc cây cảnh, bể cá, hòn non bộ.
Có không ít gia đình lúc đầu rất hào hứng thiết kế trang trí lung linh. Nào là hòn non bộ, bể cá cảnh, đài phun mini… Nhưng sau không có thời gian chăm sóc, cá chết, cây héo, họ lại rút hết nước, làm thành bể cạn. Kết quả là mấy hòn non bộ cứ đứng đấy chơ vơ, trông rất mất thẩm mỹ.
Kỹ thuật thi công xây dựng
Khi thi công mặt giáp với tường nhà, không nên làm phẳng tường. Thay vào đó để tiêu âm, gia chủ nên chọn giải pháp mảng tường nhám, ốp gạch trần, sơn gai…
Mái che phía trên không được làm quá mỏng, dễ bị tác động bởi giông bão, gió xoáy, độ bền kém. Cũng không nên để chừa khe hở quá rộng. Vì như vậy, nước mưa dễ ngấm vào bên trong, làm nhà bị ẩm ướt, hỏng đồ dùng nội thất, sàn gỗ.
Khu vực giếng trời không nên treo đèn chùm hoặc vật trang trí nặng. Nó có thể bị đứt và gây nguy hiểm cho các thành viên trong nhà.
Tập trung vào hệ thống cấp thoát nước của giếng trời. Đảm bảo cho khu vực này không bị tích tụ nước, độ ẩm cao, phòng tránh muỗi và mầm bệnh.
Nhiều nhà lựa chọn giải pháp giếng trời không mái che. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều rủi ro như: mưa tạt, nắng gặt thậm chí tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu đột nhập vào nhà. Vì vậy, về mặt thi công xây dựng, giếng trời không mái che nên lắp thêm một lớp kính cường lực 2 lớp vững chắc để ngăn cách với không gian chính trong nhà. Điểm tiếp giáp giữa lớp kính cường lực và tường cần dùng vật liệu liên kết trung gian là thép.
Phong thủy khi bố trí giếng trời trong nhà
Giếng trời cũng ít nhiều tác động đến phong thủy nhà ở. Vì vậy, trong nguyên tắc thông gió giếng trời, gia chủ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Giếng trời nên đặt ở cung Tài Lộc hoặc Thiên Mạng để thu và phân tán tài lộc cho nhà ở.
- Trường hợp nhà phố có diện tích nhỏ hẹp, thiếu mặt bằng, gia chủ có thể đặt giếng trời ở góc méo để hóa giải sát khí.
- Không nên bố trí giếng trời thông gió ở trước nhà.
Kết luận
Trên đây là toàn bộ các nguyên tắc thông gió giếng trời mà KTS Kiến trúc Tây Hồ chia sẻ. Trước khi xây nhà, gia chủ nên tìm hiểu cũng như bàn bạc kỹ lưỡng với KTS phụ trách để tránh mọi hệ quả và tiết kiệm công sức, thời gian, tiền bạc sửa chữa.