Muốn tách thửa đất nông nghiệp cần đáp ứng những điều kiện nào? Thủ tục hành chính tách thửa ra sao? Chi phí cần nộp là bao nhiêu? Gia chủ có nhu cầu tách đất nông nghiệp sử dụng cho các mục đích khác trong năm 2023, cập nhật ngay các thông tin pháp lý mới nhất mà Kiến trúc Tây Hồ tổng hợp trong bài viết dưới đây.
Đất nông nghiệp có được tách thửa không?
Tách thửa có nghĩa là phân chia quyền sử dụng đất trong sổ đỏ cho một hoặc một số người khác.
Hiện nay, pháp luật không cấm người sử dụng đất tách thửa. Vì thế, đất nông nghiệp vẫn có thể tách thửa và được cấp sổ đỏ riêng. Tuy nhiên, mảnh đất đó cần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Đồng thời, người sử dụng phải thực hiện thủ tục tách thửa và nộp chi phí theo quy định.
Có thể bạn quan tâm: Xây nhà trên đất nông nghiệp có bị phạt không?
Quy định về tách thửa đất nông nghiệp
Muốn tách thửa, khu vực đất cần đáp ứng các điều kiện tại Điều 188 Luật đất đai 2013:
- Có một trong các loại giấy tờ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất;. Trừ trường hợp tại khoản 3, Điều 186 và trường hợp thừa kế tại khoản 1 Điều 168 luật Đất đai 2013.
- Khu vực đất không có tranh chấp, khiếu nại.
- Đất không thuộc khu vực không được tách thửa theo quy định của địa phương,
- Quyền sử dụng đất không bị cơ quan nhà nước kê biên để thi hành án.
- Đất vẫn đang có thời hạn sử dụng
- Đất tách thửa chưa có thông báo thu hồi hoặc quyết định thu hồi.
- Diện tích muốn tách thửa phải đáp ứng về hạn mức, diện tích tối thiểu theo quy định cụ thể ở mỗi địa phương.
- Việc tách thửa cần đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp
Diện tích tối thiểu của đất nông nghiệp có thể tách thửa được quy định tại Điều 43d Luật đất đai 2013 – Quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa:
“UBND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.
Dưới đây là yêu cầu diện tích tách thửa tối thiểu đối với một số địa phương để chủ sở hữu tham khảo:
Diện tích đất nông nghiệp tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa:
1, Ở Đồng Nai:
- Đối với đất tại đô thị: 500m2
- Đối với đất tại nông thôn: 2000m2
- Sau khi tách thửa, thửa đất phải tiếp giáp với đường giao thông công cộng; hoặc có lối đi cho người phía trong, lối đi này không phải đường giao thông công cộng.
2, Ở Hải Dương:
- Đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng lúa ngoài khu dân cư: 500m2
- Đối với đất trồng cây lâu năm; cây hàng năm; đất nuôi trồng thủy sản không cùng thửa với đất có nhà ở thuộc khu dân cư; hoặc trong khu quy hoạch dân cư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với quy hoạch: 80m2 tại đô thị; 120m2 tại nông thôn; 180m2 tại khu vực nông thôn miền núi.
- Đất trồng cây lâu năm; cây hàng năm; đất nuôi trồng thủy sản không cùng thửa với đất có nhà ở; hoặc nằm trong khu dân cư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch đất: 300m2.
- Đất trồng cây lâu năm; cây hàng năm; đất nuôi trồng thủy sản nằm ngoài khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc ngoài khu dân cư: 1000m2.
3, Ở Bà Rịa – Vũng Tàu:
- Đất nông nghiệp ở khu vực quy hoạch sản xuất nông nghiệp sau khi tách không nhỏ hơn 500m2 đối với phương, thị trấn, thị xã, thành phố, trung tâm Côn Đảo; và không nhỏ hơn 1000m2 đối với các địa bàn còn lại.
4, Ở Bình Phước:
- Tại phường, thị trấn: 500m2
- Tại xã: 1000m2
5, Ở TP Hồ Chí Minh:
- Đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch: 500m2 với đất trồng cây hàng năm; 1000m2 với đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.
6, Ở Hà Nội:
Diện tích tách thửa tối thiểu đất nông nghiệp sau khi tách thửa cần đáp ứng các điều kiện:
- Mặt tiền có chiều rộng và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên.
- Với phường, thị trấn, diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 30m2.
- Với các xã còn lại, diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 50% hạn mới giao đất theo Điều 3 của Quy Định.
- Trường hợp tách thửa đất nông nghiệp có hình thành ngõ đi sử dụng riêng thì: Với thửa đất thuộc khu vực xã, ngõ cần có mặt cắt ngang từ 2m trở lên; Với thửa đất thuộc khu vực phường, thị trấn, xã giáp ranh, ngõ cần có mặt cắt ngang 1m trở lên.
Có thể bạn quan tâm: Trình tự và thủ tục chuyển đổi đất ao sang đất ở
Thủ tục tách thửa đất nông nghiệp
Hồ sơ pháp lý
- Đơn xin tách thửa đất theo mẫu quy định tại Điều 2 Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT.
- Sổ đỏ, sổ hồng chứng nhận quyền sử dụng đất bản sao có công chứng.
- Căn cước công dân, các loại giấy tờ khác có liên quan.
Quy trình làm thủ tục tách thửa
- Chủ sở hữu có nhu cầu tách thửa sẽ làm hồ sơ và nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã. Trường hợp địa phương chưa có văn phòng cấp xã, có thể nộp tại Phòng tài nguyên và môi trường.
- Cơ quan có thẩm quyền sẽ đo đạc địa chính để tách thửa.
- Sau khi đo đạc, văn phòng đăng ký đất đai tiến hành lập hồ sơ trình lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Tiếp đó, văn phòng đăng ký đất đai sẽ chỉnh lý, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương.
- Chủ sở hữu đất được cấp giấy chứng nhận mới về thửa đất nông nghiệp đã tách.
Thời gian giải quyết hồ sơ tách thửa đất
- Thời hạn giải quyết hồ sơ kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ không quá 15 ngày.
- Đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, thời hạn giải quyết không quá 25 ngày kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ.
Chi phí tách thửa đất nông nghiệp
- Trường hợp chỉ tách thửa, chi phí sẽ giao động từ 1.800.000 – 2.500.000 đồng và lệ phí làm sổ đỏ mới.
- Trường hợp tách thửa để tặng, góp vốn, chuyển nhượng… cần nộp thêm lệ phí trước bạ cùng với 2 loại chi phí ở trên.
Mẫu đơn xin tách thửa đất:
Kết luận
Đất nông nghiệp có thể tách thửa nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Pháp luật. Diện tích tối thiểu sau khi tách thửa sẽ theo quy định của mỗi địa phương dựa trên kế hoạch sử dụng, quản lý đất đai. Trên đây là các thủ tục, quy trình cần thiết để tách thửa, chủ hộ tham khảo và chuẩn bị đầy đủ để đẩy nhanh tiến độ.