Ánh sáng là một phần quan trọng trong kiến trúc, giúp tăng giá trị công năng sử dụng, tính thẩm mỹ, tác động đến tâm sinh lý của con người. Để đón ánh sáng tự nhiên, ngoài việc tối ưu không gian, bổ sung các khu vực như thông tầng, giếng trời… thì vật liệu đóng góp một phần quan trọng. Cụ thể những vật liệu lấy ánh sáng cho nhà nào được sử dụng phổ biến hiện nay?
Gia chủ nên tham khảo để lên kế hoạch xây nhà hoặc cải tạo không gian phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình.
Vai trò của chiếu sáng tự nhiên trong ngôi nhà
Ánh sáng tự nhiên là nguồn nhiên liệu miễn phí được thiên nhiên ban tặng. Nó mang lại rất nhiều lợi ích mà ánh sáng nhân tạo không thể có được.
Giúp không gian thoáng đãng hơn
Không thể phủ nhận ánh sáng tự nhiên tác động trực tiếp đến nhận thức và cảm giác về không gian. Một căn phòng tràn ngập ánh sáng tự nhiên trông sẽ thoáng đãng, dễ chịu, cảm giác rộng rãi hơn căn phòng dùng đèn chiếu sáng.
Cũng bởi thế mà xu hướng thiết kế nhà ống, nhà trong phố thường ưu tiên không gian lớn, không gian liên thông. Trú trọng khai thác nguồn sáng tự nhiên cho ngôi nhà.
Cung cấp năng lượng tích cực
Kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy căn phòng được chiếu đủ ánh sáng tự nhiên vào ban ngày thì sẽ có mức năng lượng dồi dào và ổn định vào cuối ngày. Như vậy, khi ta đi làm trở về, căn phòng sẽ vẫn tràn ngập năng lượng, xua tan cảm giác mệt mỏi. Từ đó giúp tâm trạng và tinh thần thoải mái hơn, hưng phấn hơn.
Giúp không khí trong lành hơn
Thiếu sáng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ẩm mốc, bí bách, khó chịu. Tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Ánh sáng mặt trời chiếu vào sẽ giúp phòng luôn khô thoáng, tiêu diệt mầm bệnh, nồm, ẩm mốc. Căn phòng có hương thơm của tự nhiên, thanh thoát và dễ chịu.
Tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường
Nguồn ánh sáng cộng với cây xanh là những yếu tố quan trọng để hoàn thiện nhà ở theo xu hướng kiến trúc xanh bền vững. Không chỉ vậy, nguồn sáng, sự lưu thông tự nhiên của gió trời còn giúp tiết kiệm nhiên liệu từ máy móc thiết bị. Góp phần bảo vệ môi trường sống xung quanh con người.
Màu sắc trung thực, sắc nét
Ánh sáng mặt trời chuẩn mực và cho màu sắc trung thực nhất. Từ nội thất cho đến các vật dụng trang trí đều dịu mát, có chiều sâu hơn. Ngược lại, dùng ánh sáng nhân tạo có thể khiến cho màu sắc vật liệu bị sai, ám màu, không như vẻ đẹp tự nhiên của nó.
Những vật liệu lấy ánh sáng cho nhà phổ biến
Gạch kính lấy sáng
Gạch kính là vật liệu được sử dụng phổ biến để lấy ánh sáng cho nhà ở, đặc biệt là nhà trong phố. Gạch kính được sản xuất từ các khối thủy tinh trong suốt, ánh sáng có thể xuyên qua được và khả năng phản chiếu ánh của rất tốt. Ánh sáng đi qua lớp kính dày đã được dịu bớt, không bị nắng gắt, chắn tia UV gây hại. Vì thế, gia chủ có thể dùng gạch kính để thay thế một số mảng tường bê tông phía bên ngoài mặt tiền kiến trúc, tận thu ánh sáng tự nhiên. Hoặc dùng để làm vách ngăn phòng ngủ, phòng khách, phòng tắm, bếp, giếng trời, ban công…
Gia chủ cũng có thể sử dụng gạch kính để thay thế một vài tấm mái ngói. Nó có tác dụng lấy sáng từ trên cao, giúp không gian nhà sáng sủa, thông thoáng hơn. Đặc biệt với nhà phố thiết kế giếng trời hoặc thông tầng, đặt mái gạch kính ở đúng vị trí này sẽ đem lại hiệu ứng ánh sáng cực kỳ tốt.
Gạch kính làm vách ngăn trong nhà
Ngoài chức năng lấy sáng, gạch kính còn một số ưu điểm như:
- Độ bền cao: Do được sản xuất từ khối thủy tinh thuần khiết nên gạch có thể chịu được áp lực lớn, độ nén lên tới 7Mpa (70kg/cm2). Nhờ đó khi thay thế bê tông ngoài mặt tiền hoặc một vài tấm ngói trên mái, gạch kính vẫn rất bền, chắc, chống chịu các tác động của thời tiết như gió bão, động đất…
- Cách âm, cách nhiệt tốt: Gạch kính được sản xuất bằng công nghệ hiện đại. Lớp khí ở giữa viên gạch kính đều là chân không. Do đó, vật liệu này có thể cách âm lên tới 45%; chống chịu nhiệt độ cao từ môi trường.
- Gạch kính dễ dàng vệ sinh: Do bề mặt kính trơn tru bóng nên không thấm nước từ bên ngoài vào trong. Ngoài ra, bề mặt gạch dễ vệ sinh, lau chùi, không tốn thời gian trong quá trình chăm sóc, bảo quản.
- Miếng gạch kính tương đối nhẹ: Trọng lượng của viên gạch kính là 60 – 80kg/m2. Như vậy vừa thuận tiện cho quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt. Đồng thời giảm áp lực cho công trình thi công khi thay thế bê tông cốt thép.
- Màu sắc đa dạng: Gạch kính lấy sáng có màu sắc đa dạng, gia chủ có thể lựa chọn linh hoạt, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật kính đẹp, tận thu ánh sáng tự nhiên cho căn nhà.
Tuy nhiên, gạch kính do làm bằng khối thủy tinh trong suốt nên dễ vỡ. Người dùng cần lưu ý nhược điểm này của gạch.
Gạch hoa gió
Gạch hoa gió hay còn gọi là gạch bông gió, gạch thông gió là viên gạch hình vuông, có họa tiết hoa văn dạng rỗng. Vật liệu này được sử dụng phổ biến để lấy sáng, thông gió, trang trí tăng tính thẩm mỹ trong các công trình kiến trúc. Cụ thể:
- Gạch dùng để trang trí mặt tiền, thay thế bê tông.
- Làm một phần mái nhà lấy sáng.
- Làm vách ngăn trang trí phân chia các khu vực trong nhà.
- Làm ban công, tường rào xung quanh ngôi nhà.
- Ngoài tác dụng lấy ánh sáng cho nhà, gạch hoa gió còn có ưu điểm:
- Chắn nắng: Ánh sáng và gió chỉ lọt qua các lỗ rỗng của gạch thông gió. Vì thế, vật liệu này còn có tác dụng chắn nắng hiệu quả cho những căn nhà ống có mặt tiền quay về hướng Tây.
- Thẩm mỹ: Gạch hoa gió không chỉ giải quyết vấn đề lấy sáng mà còn tăng tính thẩm mỹ, tạo nên sự độc đáo, mới mẻ cho nhà ở. Rất nhiều biệt thự vườn, biệt thự nghỉ dưỡng đã lựa chọn vật liệu này để lấy sáng, hạn chế bức tường bê tông bí bách, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Gạch hoa gió làm mặt tiền kiến trúc
Gạch hoa gió lấy sáng tự nhiên trong nhà
Gạch bông gió được sản xuất từ các vật liệu thân thiện với môi trường như: xi măng, đất nung, tráng men. Trọng lượng của mỗi viên tương đối nhẹ, chỉ từ 2 – 3,4kg/viên, kích thước nhỏ. Gạch bông gió có nhiều hoa văn họa tiết khác nhau, gia chủ có đa dạng sự chọn lựa.
Lam chắn
Lam chắn là một trong những vật liệu lấy ánh sáng cho nhà được sử dụng phổ biến với kiểu nhà phố, nhà trong ngõ ngách thiếu ánh sáng. Những thanh lam có thể xếp theo chiều thẳng đứng từ trên xuống hoặc xếp theo chiều ngang tùy vào yêu cầu thẩm mỹ và hình khối kiến trúc của công trình.
Gia chủ có thể thiết kế lam chắn ở mặt tiền công trình, vị trí cầu thang lên xuống để ánh sáng đi vào khu vực này. Ngoài ra, bên trong nhà, lam chắn cũng phát huy tác dụng tương tự, có thể dùng làm vách ngăn giữa các phòng chức năng, vách ngăn tại giếng trời.
Ngoài tác dụng lấy sáng, tăng tính thẩm mỹ, lam chắn còn có thể giảm bớt cường độ ánh nắng từ bên ngoài, che chắn gió, cản mưa khi thời tiết xấu.
Lam nhựa giả gỗ trang trí kiến trúc
Lam chắn có thể được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau. Ví dụ như: lam nhựa giả gỗ, lam bê tông, lam nhôm…
- Lam nhôm: Lam chắn làm bằng nhôm có tiêu chuẩn độ dày từ 1,2 – 2,5mm, chiều dài 6m, khung nhôm kích thước đa dạng. Bề mặt thanh nhôm được sơn tĩnh điện theo tiêu chuẩn Châu Âu. Những thanh lam nhôm kết nối với nhau bằng thanh đỡ có bu lông, khả năng nhịp lớn lên tới hơn 6000mm.
- Lam nhựa giả gỗ: màu sắc đa dạng, giống với gỗ tự nhiên, mang tính thẩm mỹ cao và được ưu tiên sử dụng phổ biến hơn cả. Lam nhựa giả gỗ thường làm bằng bột nhựa PP, PE hoặc PVC và các chất phụ gia theo quy định. Vật liệu bền bỉ, chống tia UV, chống nấm mốc, chịu lực va đập tốt. Các thanh lam nhựa giả gỗ có độ dày từ 5mm, 8mm, 12mm, 15mm, 18mm.
Lưới võng thông tầng
Lưới võng thông tầng là một vật liệu lấy ánh sáng hoàn hảo có thể sử dụng tại vị trí thông tầng hoặc giếng trời của ngôi nhà có diện tích nhỏ hẹp, nhà trong phố. Ở Việt Nam chưa có nhiều gia đình sử dụng lưới võng, nhưng trên thế giới, vật liệu này rất phổ biến.
Lưới võng làm từ các sợi dây dù tổng hợp (hoặc dây cotton, dây PP) có độ đàn hồi cao, chắc chắn, khả năng chịu lực tốt. Do đó, khi được lắp đặt chắc chắn và đúng kỹ thuật, lưỡi võng rất an toàn.
Bố trí lưới võng trên tầng áp mái lấy sáng
Lưới võng kết hợp gạch hoa gió
Ngoài công dụng lấy sáng, lưới võng thông tầng còn có các ứng dụng khác:
- Dùng để bảo vệ các khoảng trống trong nhà khi có trẻ nhỏ
- Treo lưỡi võng ở vị trí thông tầng hoặc giếng trời của các tầng có thể là nơi vui chơi, đọc sách, nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng của các thành viên. Trong khi đó, chức năng lấy sáng của giếng trời vẫn được đảm bảo, không bị che khuất.
- Lưới võng màu trắng, là vật liệu trang trí, tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Lưới thép đục lỗ trang trí
Lưới thép đục lỗ trang trí là tấm thép được đục hoặc dập bằng máy cơ khí tạo thành lỗ, khe với các hình dáng, kích thước đa dạng. Phổ biến là lỗ hình tròn, hình lục giác, hình ôvan, lỗ hình vuông, lỗ hình hoa, ngôi sao… Các tấm thép này được mã kẽm hoặc cán nguội. Vật liệu chống han gỉ, chống chịu tia UV và tác động của ngoại cảnh, tương đối bền bỉ, tuổi thọ sử dụng lâu dài.
Kích thước chiều ngang có các khổ: 1m, 1,2m, 1,22m, 1,5m
Kích thước chiều dài phổ biến từ 1m đến 6m.
Độ dày thông dụng từ 0,4mm đến 12mm. Trong đó, được dùng phổ biến nhất là loại từ 0,4 – 4mm.
Lưới đục lỗ trang trí dễ dàng uốn cong theo không gian sử dụng. Do đó, vật liệu được ứng dụng rộng rãi ở nhiều vị trí khác nhau để lấy sáng cho căn nhà.
Lưới thép thông tầng ở khu vực sân vườn
Lưới thép làm cầu thang, lan can
Lưới thép kết hợp giếng trời lấy ánh sáng
Ứng dụng của lưới thép đục lỗ trang trí:
- Mặt tiền kiến trúc: Lưới thép với các lỗ đục khoảng cách đều nhau giúp hấp thụ và khuếch tán ánh sáng đều vào trong nhà. Nhờ đó, các không gian trong nhà có đủ ánh sáng tự nhiên, cảm giác thông thoáng. Lưới thép mặt tiền còn có tác dụng bảo vệ an toàn, phòng chống trộm cắp.
- Cầu thang, lan can: Thay vì gỗ, kính hay inox, gia chủ có thể sử dụng tấm lưới thép đục lỗ làm cầu thang, lan can, ban công. Đặc biệt phù hợp với nhà phố thang giữa có thêm giếng trời. Ánh sáng từ giếng trời sẽ tiếp tục được xuyên qua các lỗ đục, tản ra toàn bộ căn nhà.
Ngoài lưới thép, một số vật liệu khác dùng để làm thành các tấm đục lỗ như vậy. Phổ biến là đồng thau, nhôm, tôn, motel, inox, gỗ MDF… Gia chủ hoàn toàn có thể sơn trên thép hoặc gỗ công nghiệp MDF, góp thêm màu sắc ấn tượng cho không gian sử dụng.
Gạch nung
Gạch nung là vật liệu quen thuộc trong xây dựng. Khi được sắp xếp, biến đổi một cách linh hoạt, gạch nung cũng có tác dụng lấy ánh sáng tự nhiên cho không gian căn nhà.
Gạch nung được sản xuất từ nguyên liệu chính là đất sét có thêm một số phụ gia khác. Công nghệ sản xuất gạch nung hiện đại, thân thiện với môi trường. Vật liệu chắc chắn, bền bỉ, khả năng chịu lực tốt. Gạch nung có thể thay thế các bức tường bê tông kín mít trong nhà. Cụ thể ở các vị trí như: ban công, lan can, thông tầng, mặt tiền kiến trúc…
Để tăng hiệu quả lấy ánh sáng bằng gạch nung, gia chủ ưu tiên chọn gạch 2 lỗ, gạch rỗng 4 lỗ, gạch rỗng 6 lỗ. Sắp xếp các viên gạch bằng cách so le nhau, tạo thành khoảng lỗ rỗng ở giữa để ánh sáng xuyên qua.
Bạn có thể tham khảo một số ý tưởng xây nhà với gạch mộc đẹp tại đây: Những mẫu nhà xây gạch mộc đẹp, tiết kiệm chi phí
Tấm lấy sáng Polycarbonate
Tấm lấy sáng Polycarbonate là tấm nhựa tổng hợp, trong đó có đơn vị polymer được liên kết với nhau thông qua các nhóm cacbonat. Tấm lấy sáng Polycarbonate có loại rỗng ruột, đặc ruột và tôn sóng với các màu sắc như: trong suốt, trắng sữa, xanh ngọc.
Đặc biệt, tốc độ truyền ánh sáng của tấm Polycarbonate lên tới 90%. Do đó, gia chủ có thể lựa vật liệu này để làm mái của giếng trời hoặc thay thế một số tấm mái trên ngói. Ánh sáng đi qua tấm Polycarbonate, đi vào trong nhà, giúp không gian sáng sủa và thoải mái hơn.
Vật liệu có trọng lượng nhẹ nhưng khả năng chịu va đập tốt gấp 200 lần so với thủy tinh, an toàn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Hơn thế nữa, Polycarbonate còn có khả năng ngăn ngừa tia cực tí. Tấm lấy sáng này hoạt động hiệu quả trong điều kiện thời tiết từ – 40 độ đến trên 120 độ C.
Bài viết liên quan: Làm mái che sân thượng có phải xin phép không?
Trần xuyên sáng
Trần xuyên sáng là vật liệu lấy ánh sáng nhân tạo cho ngôi nhà. Trong trường hợp nhà bạn không thể thay đổi, cải tạo kết cấu bên ngoài hoặc xung quanh bị “bịt kín” bởi nhà hàng xóm cao hơn? Vậy thì trần xuyên sáng là một lựa chọn hoàn hảo giúp không gian ngôi nhà sáng sủa hơn.
Trần xuyên sáng trong phòng ngủ
Trần xuyên sáng là là hệ thống trần treo. Hệ thống này được cấu tạo bởi tấm căng và đèn chiếu. Tấm căng làm từ nhựa PVC dày 0,18mm, in hình 3D đẹp, bắt mắt. Gia chủ có nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Trần xuyên sáng có thể lắp đặt tại phòng khách, phòng bếp, khu vực sinh hoạt chung, phòng ngủ ngôi nhà.
Ánh sáng tự nhiên là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Hi vọng những vật liệu lấy ánh sáng cho nhà mà Kiến trúc Tây Hồ tổng hợp, liệt kê trên đây sẽ giúp gia chủ có thể cải thiện không gian, mang nhiều hơn ánh sáng bên ngoài vào ngôi nhà của mình.