Cách sửa lại tường nhà bị bong tróc nhanh chóng, triệt để, hiệu quả

Bong tróc tường nhà không chỉ gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các thành viên. Mà hiện tượng này nếu không được xử lý triệt để sẽ khiến công trình nhanh xuống cấp, gây nguy hiểm khi sống trong đó. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Có cách sửa lại tường nhà bị bong tróc nào dễ áp dụng mà xử lý được triệt để?

Hiện tượng bong tróc tường nhà là như thế nào?

Bong tróc tường nhà là hiện tượng bề mặt tường bị nổi cục hoặc phồng rộp. Từng mảng sơn bong ra khiến tường nhà mất thẩm mỹ và bụi bẩn. Nếu vết tróc sơn đó không được xử lý kịp thời thì lâu ngày, tường dễ bị thấm nước, ẩm mốc, đổi màu và xuống cấp… Chính vì thế việc sửa lại những mảng tường đó cực kỳ quan trọng.



Tại sao tường nhà lại bị bong tróc?

Tường của nhà bạn bị bong, phồng rộp có thể là do một trong các nguyên nhân sau. Hãy tìm hiểu kỹ để có phương án sửa chữa tốt nhất.

Do đã xây dựng từ lâu, nhà có hiện tượng xuống cấp

Những công trình đã xây dựng từ lâu không tránh khỏi hiện tượng xuống cấp, tường nhà, từng mảng sơn bị bong tróc. Bởi vì cấu tạo của sơn sẽ bao gồm bột màu trộn với một cơ sở chất lỏng. Khi cơ sở chất lỏng bay hơi, sẽ chỉ còn lại lớp bột màu và bung ra thành từng mảng rơi xuống.

tuong-nha-bi-bong-troc

Loại sơn cao su sẽ được làm từ cao su tự nhiên hoặc cao su tổng hợp. Sử dụng lâu ngày, nước bay hơi, một lớp màng duy nhất được hình thành và không có độ bám dính, dễ bong tróc. Sơn gốc dàu có khả năng bám dính và chống mài mòn tốt hơn một chút. Nhưng tất cả các loại sơn tường nội – ngoại thất đều chỉ có một tuổi thọ nhất định.

nhiet-do-nong-lam-tuong-nha-bong-troc

Và theo năm tháng, lớp sơn này tiếp xúc với môi trường, nắng, gió, độ ẩm, nhiệt độ… dẫn đến phai màu và bong tróc. Đây là hiên tượng tự nhiên hoàn toàn bình thường.

Bên cạnh đó, hầu hết những ngôi nhà được xây từ những năm 90 đổ về trước đều sử dụng vữa vôi hoặc vữa tam hợp. Lớp vôi vữa có độ hút ẩm cao, nhất là khi thời tiết nồm ẩm, thời mưa. Vì thế sau một thời gian sử dụng, tường nhà sẽ nhanh chóng bị ẩm mốc, mọc rêu xanh, rộp, bong ra thành từng mảng.



Do nhiệt độ, độ ẩm môi trường

Việt Nam thuộc khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ và độ ẩm đều tương đối cao. Sơn ngoại thất, nội thất chịu tác động chiếu sáng trực tiếp của mặt trời, của tia UV với cường độ cao. Đây là một bất lợi làm ảnh hưởng hưởng đến tuổi thọ của sơn tường.



Do thấm nước lâu ngày

Tường bị ẩm do thấm nước lâu ngày là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng bong tróc. Nó có thể là do thời tiết nồm ẩm, độ ẩm cao; do tường bị ngập trong mưa lũ lâu ngày; hoặc do rò rỉ đường ống dẫn nước ngầm, bình đựng nước ở trong tường, từ bên ngoài vào…

nguyen-nhan-tuong-nha-bi-bong-troc

Tường bị thấm nước laâu ngày sẽ gây ra vệt loang, ẩm, đổi màu. Từng mảng sơn bắt đầu bong ra, xù xì, ố màu… Tường nhà mới xây mà đã bị ngấm thì đâu là nguyên nhân? Cách xử lý thế nào? Bạn có thể tìm hiểu thêm ở bài viết này: Nhà mới xây bị thấm – Nguyên nhân và cách khắc phục



Do tường bị muối hóa

Tường bị muối hóa là hiện tượng mảng màu lấm tấm với kích cỡ khác nhau xuất hiện ở trên tường. Thường là màu vàng nhạt hoặc trắng như muối. Khi có nước chảy qua, lớp muối này sẽ rỉ ra từ gạch hoặc vữa.

muoi-hoa-khien-tuong-nha-bi-bong-troc

Muối hóa khiến cho tường nhà bị nứt, sơn tường bị bong chóc, xuất hiện nấm trắng trên tường. Nó thường xuất hiện ở các vị trí ẩm ướt như: chân tường, khe nứt; ranh giới tiếp giáp giữa các tầng, tường giám nhà vệ sinh… Các ngôi nhà sinh sống ở gần vùng biển, vùng nước lợ thường bị hiện tượng này.

Các nguyên nhân chủ yếu là do:

  • Sử dụng gạch xây nhà có nhiệt độ nung chưa đủ. Hoặc trong gạch có chứa tạp chất muối, nhiễm mặn
  • Không sử dụng sơn lót kháng kiềm hoặc chỉ sử dụng sơn trắng thông thường để thay thế
  • Sơn tường khi chưa đạt độ khô
  • Hơi ẩm thoát ra từ xi măng ở phía bên trong tường mang theo nồng độ muối cao
  • Sử dụng nước lợ hoặc nước mặn để trộn xi măng vôi vữa
  • Tay nghề kỹ thuật của thợ thi công kém.
  • Do không thường xuyên vệ sinh tường nhà.



Do tác động ngoại lực

Có thể là do trong quá trình kê đồ, đóng đồ dùng nội thất và sử dụng… tường nhà bị chịu tác động mạnh từ các bề mặt cứng này. Việc va chạm mạnh dẫn đến tường bị nứt, vỡ, sơn bong tróc.

Do tay nghề, kỹ thuật của thợ sơn tường

Tay nghề của thợ sơn ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng sau này:

  • Trộn vôi, vữa, cát, xi không đúng tỉ lệ: Khi sử dụng một thời gian, vôi sẽ bị khô do không có chất kết dính. Và mảng tường bị bong tróc là hệ quả dễ nhìn thấy.
  • Do trước khi thi công, thợ không đánh ráp tường sạch, vẫn còn lớp bụi bẩn từ gạch xi. Điều này khiến các lớp sơn bị chồng chất, không có độ bám dính nhất định. Chỉ cần nhiệt độ, độ ẩm quá cao, tường sẽ bị bong ra, rơi xuống từng mảng lớn.
  • Do thợ kinh nghiệm kém, chưa xử lý chống thấm tốt.
  • Thợ sử dụng bột trét để tăng độ bám dính cho sơn. Thế nhưng bột trét lại kém chất lượng khiến cho tình trạng bong tróc trầm trọng hơn.



Do thời điểm sơn tường không lý tưởng

Thợ thi công tiến hành sơn tường vào thời điểm bề mặt bê tông còn tươi, độ kiềm cao, tường chưa khô hoàn toàn. Nó sẽ gây ra hiện tượng phồng rộp hoặc phấn hóa khi nhiệt độ tăng lên.

thoi-diem-son-tuong-chua-hop-ly

Sơn tường ở thời điểm nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, trời nhiều gió, khô lạnh. Nó sẽ khiến cho chất liệu sơn bị bay hơi quá nhanh. Chính vì thế mà bề mặt sơn không còn lớp màng bảo vệ, dẫn đến hư hỏng sau một thời gian ngắn sử dụng.



Do chỉ sơn 1 mặt của tường

Rất nhiều gia đình ở nông thôn vì tiết kiệm chi phí nên chỉ sơn 1 mặt của tường. Nếu như bên trong được sơn kỹ càng nhưng nên ngoài lại qua loa hoặc để không và ngược lại, thì mặt đó sẽ dễ bị thấm ướt do độ ẩm, do rò rỉ nước.  Kết quả là, lớp sơn bị bong tróc sớm. Đây là một vấn đề phổ biến đối với tình trạng ố sơn của bê tông, vì bê tông dễ hấp thụ nước.

Do sử dụng sơn kém chất lượng, chọn sai sơn  

Sử dụng sơn kém chất lượng, tuổi thọ thấp, thi công sai kỹ thuật. Đây là những nguyên do hàng đầu khiến tường bị nứt, hỏng.

Một lý do khác có thể dẫn đến bong tróc và nứt bề mặt sơn là do chọn sai loại sơn. Mỗi loại sơn phù hợp để sử dụng trong những điều kiện cụ thể, cho những bề mặt cụ thể. Và nếu bạn áp dụng sơn phân tán nước (gốc nước) dựa trên PVA cho một căn phòng có độ ẩm cao. Vậy thì bạn sẽ không mong đợi điều gì tốt đẹp từ loại sơn này.



Lớp sơn cũ và sơn mới không đồng nhất

Bạn đã sơn cải tạo là tường nhà những vẫn bị bong thành từng mảng, ẩm ướt? Có thể lớp sơn được sử dụng trong lần cải tạo gần đây nhất không khớp với lớp sơn đã được sử dụng trước đó trên bề mặt tường. Ví dụ sơn silicat dựa trên thủy tinh kali lỏng không bao giờ được áp dụng cho bề mặt đã được xử lý trước đó bằng sản phẩm hữu cơ.

Chính vì thế, khi khắc phục tình trạng tường nhà bị bong tróc, việc chọn sơn cũng quan trọng không kém gì quy trình kỹ thuật.



Cách sửa lại tường nhà bị bong tróc đúng kỹ thuật

Tìm ra nguyên nhân sẽ giúp bạn khắc phục tình trạng này tới tận gốc rễ.

Trát lại tường nhà

Nếu như mảng tường thì thấm, hỏng từ bên trong. Ví dụ như do tường nhà bị nứt, do lớp vừa trát bong tróc… cần tiến hành đục, sửa lại mảng tường bị hỏng. Nhà mới xây mà đã bị nứt tường, gây bong tróc sơn nguyên nhân do đâu? Bạn có thể tìm hiểu thêm ở bài viết này: Nhà mới xây bị nứt tường – Nguyên nhân và cách xử lý

Bước 1: Khoan lớp vữa trát trên gạch

cach-sua-tuong-nha-bi-bong-troc

Sử dụng máy khoan tường để loại bỏ hết lớp vữa trát trên gạch của tường nhà bị mốc. Công đoạn này cần được tiến hành cẩn trọng, có kinh nghiệm và không nóng vội. Khoan dần dần từng mảng nhỏ để không làm ảnh hưởng đến kết cấu của cả công trình.

Bước 2: Khoan lớp mạch vữa

Tiếp tục sử dụng máy khoan để khoan sâu vào lớp mạch vữa của tường gạch, độ sâu khoảng 1 – 1,5cm.

Bước 3: Vệ sinh sạch sẽ

Tiến hành làm sạch toàn bộ mạch vữa, loại bỏ mảnh vụn còn sót lại.

Bước 4: Trát lại mạch vữa

Pha trộn cát, vôi, xi măng theo tỉ lệ mac thích hợp. Có thể pha theo tỉ lệ mac 75, trộn tỷ lệ nước và sika latex 50 + 50 trộn vào lớp vữa. Sau đó trát lên các vị trị mạch vữa vừa đục. Miết lớp vừa đều, phẳng bằng mép gạch.

Bước 5: Trát lại tường nhà

Để cho lớp mạch vữa khô hẳn sau đó vệ sinh tường và trát lại tường nhà bằng lớp xi măng mới. Sử dụng bàn chà nhám đề đảm bảo bề mặt tường nhẵn mịn.

Bước 6: Quét hồ dầu 

Sử dụng hồ dầu quét 2 lớp lên bề mặt tường mới trát lại. Sau khi lớp hồ dầu khô, dùng sika chống thấm pha với nước và xi măng theo tỉ lệ 1 : 1 : 4. Quét lớp chống thấm này lên tường.

Bước 7: Trát lại

Để lớp sika chống thấm khô hẳn, tiếp tục pha vữa với tỉ lệ mac 75 trát toàn bộ phần tường lại một lần nữa. Sau nước này, có thể sơn lại tường bị bong tróc theo quy trình ở dưới.



Sơn lại tường bị bong tróc

Tất nhiên dù do nguyên nhân nào thì bạn vẫn cần phải sơn sửa lại mảng tường đã bị tróc sơn, nứt vỡ. Dưới đây là hướng dẫn các bước sơn lại tường nhà bị hỏng, tróc:

Bước 1: Làm sạch bề mặt,  loại bỏ lớp sơn tường cũ

lam-sach-be-mat-son

Dùng chổi, giẻ để lau sạch bề mặt tường, quét hết bụi bẩn trên đó. Sử dụng thìa inox hoặc bàn chải để làm sạch bề mặt tường, cạo hết phần tường dễ bị bong tróc ra. Nếu không, sau khi sơn mới, bạn sẽ nhanh chóng phải sơn sửa lại tất cả một lần nữa.

Bước 2: Vệ sinh, chà nhám

Sử dụng giấy nhám làm sạch mịn bề mặt. Sau đó dùng giẻ lau qua một lần nữa để sẵn sàng sơn phủ tường.

Bước 3: Lựa chọn sơn

Bạn cần lựa chọn chính xác loại sơn và tông màu cho mảng tường của mình. Đảm bảo độ đồng nhất giữa lớp sơn cũ và mới. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần đem mẫu sơn trên tường nhà ra cửa hàng sơn uy tín. Nhân viên  sẽ tiến hành pha màu và lựa chọn cho bạn sản phẩm chính xác nhất.

Tất nhiên, bạn sẽ khó mà tìm được màu sơn hoàn toàn giống với hiện tại. Bởi vì sơn ở mảng tường cũ ít nhiều bị phai màu do môi trường, ngoại cảnh.



Bước 4: Tiến hành sơn lót

Dùng dụng cụ chuyên dụng để sơn lót bề mặt tường. Lớp lót này giúp chống thấm và giữ cho sơn bền màu hơn.

Bước 5: Tiến hành sơn tường

son-lai-tuong-nha-bi-bong-troc

Lăn sơn cho bề mặt tường bị tróc ra. Khi lăn sơn, cần thả lỏng tay và duy trì đều đặn để sơn được đều màu nhất.



Phủ vôi vữa lên bề mặt tường quét vôi

Với những công trình sử dụng vôi vữa hoặc vữa tam hợp, nên sửa lại tường bằng chính các nguyên liệu đã dùng.

Bước 1: Làm sạch bề mặt tường

Vệ sinh sạch sẽ toàn bộ bề mặt tường bị tróc, nứt. Quét bụi, bẩn, mạng nhện trên tường.

Bước 2: Cao bỏ lớp vôi, làm nhẵn bề mặt

Sử dụng bay hoặc đá mài để cạo bỏ lớp vẽ trên tường. Việc cạo tường quét vôi mất rất nhiều thời gian nhưng lại tương đối quan trọng. Nó sẽ giúp lớp vôi mới không bị bong ra.

Bước 3: Làm sạch bề mặt tường bị lõm trong quá trình cạo

Do dùng bay hoặc đá mài làm sạch tường nên dễ tạo ra vết lõm. Lúc này, nếu trên tường có vết lỗi lõm, sử dụng bột bả để làm nhẵn mịn lại các khu vực đó.

Bước 4: Sơn lót tường

Tiến hành quét một lớp sơn lót giúp chống thấm, tăng cường độ bền cho lớp vôi.

Bước 5: Quét vôi

quet-lai-voi

Dùng con lăn quét vôi lên phần tường bị hư hại. Quá trình thực hiện cần đảm bảo đều tay.



Sử dụng xốp, giấy dán tường

Các loại xốp và giấy dán tường có thể hạn chế phần nào tường bị ẩm mốc, bong tróc. Bên cạnh đó, màu sắc của vật liệu còn giúp tăng tính thẩm mỹ cho công trinh. Do đó, nếu như căn phòng nhỏ bị tróc sơn, bạn không muốn sơn lại hoặc không có nhiều thời gian, chi phí cải tạo, có thể dùng xốp, giấy dán tường. Tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Làm sạch bề mặt tường bị hỏng

Trước tiên vẫn cần phải làm sạch tường, dùng thìa inox hoặc các vật dụng khác để cạo hết lớp sơn tường đang tróc ra. Sau đó dùng giẻ, giấy nhám đánh mịn bề mặt tường nhà.

Bước 2: Dán tuần tự từ trên xuống

dung-xop-dan-tuong

Tính toán số lượng giấy dán tường cho diện tích căn phòng. Sau đó bóc lớp keo, dán tuần tự từ trên xuống dưới. Tốt nhất nên xác định 2 góc ở trên cùng và 4 góc theo chiều ngang. Nó sẽ tránh bị sai lệch.

Cuối cùng, vệ sinh lại mảng tường vừa dán. Những điểm nối giữa các đầu giấy nên dùng keo silicon để trám lại cho chắc chắn.



Lưu ý khi thi công để tránh tường nhà bị bong tróc

  • Lựa chọn sơn chất lượng tốt, mua tại các địa chỉ uy tín, chính hãng.
  • Lựa chọn đội ngũ thi công uy tín, nhà thầu giám sát giàu kinh nghiệm để đảm bảo thực hiện đúng quy trình.
  • Thiết kế mái có hệ số đua thích hợp với thời tiết. Điều này cần được tính toán ngay từ khi thiết kế nhà ở.
  • Sử dụng rèm che tránh ánh nắng trực tiếp cho nội thất và sơn tường phía bên trong

Bong tróc tường nhà dễ phát hiện bằng mắt thường. Hi vọng những cách sửa lại tường nhà bị bong tróc trên đây sẽ giúp bạn có phương án xử lý, ngăn chặn triệt để càng sớm càng tốt. Việc này sẽ giúp hạn chế sự xuống cấp của công trình cùng như tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.



Chat zalo
Chat messenger
Liên hệ chúng tôi