Mái nhà tôn có nên làm trần thạch cao không? Trần thạch cao được xem là giải pháp tối ưu giúp tăng tính thẩm mỹ và chống nóng hiệu quả cho mái bê tông. Tuy nhiên, đây có thực sự là lựa chọn phù hợp với nhà mái tôn hay không? KTS Kiến trúc Tây Hồ sẽ giải đáp chi tiết trong viết này. Gia chủ nên tham khảo nếu có ý định thi công.
Bài viết liên quan:
Trần thạch cao là gì?
Trần thạch cao là loại trần được làm từ nguyên liệu chính là các tấm thạch cao. Thạch cao là khoáng vật trầm tích mềm với hai thành phần chính là canxi sunfat và nước. Chúng hình thành trong các lớp trầm tích đất đá phong hóa.
Trần thạch cao có nhiều ưu điểm như nhẹ, dễ thi công, cách âm, chống nóng, chống cháy, chống ẩm,… và mang tính thẩm mỹ cao với bề mặt láng mịn, dễ trang trí.
Cấu tạo của trần thạch cao bao gồm các lớp vật liệu sau:
- Khung xương thạch cao: công dụng chính là làm khung trụ, chỗ bám để treo các mảnh thạch cao. Giúp gia cố, tăng tính chịu lực và kéo dài tuổi thọ của công trình.
- Tấm trần thạch cao: tạo mặt phẳng cho trần, tấm được liên kết trực tiếp với hệ khung thông qua vít chuyên dụng.
- Lớp sơn bả: tạo độ nhẵn mịn, đều màu cho bề mặt trần.
- Các vật liệu khác như: PVD, gương, nhựa PU,… để trang trí giúp trần nhìn đẹp hơn.
Ưu điểm khi làm trần thạch cao cho mái tôn?
-
Chống nóng, giảm tiếng ồn
Nhược điểm lớn nhất của mái tôn là khả năng phản xạ tiếng ồn rất cao, nhất là khi trời mưa. So với trần gỗ, nhôm, nhựa thì trần thạch cao là giải pháp chống ồn hiệu quả hơn hẳn. Nó có thể giảm được khoảng 8 độ C so với nhiệt độ bên ngoài. Hiện nay, nhiều gia đình cũng đã sử dụng thạch cao làm tường chống nóng.
-
Tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà
Chắc chắn không thể bỏ qua ưu điểm này của trần thạch cao. Hai kiểu trần nổi – chìm cho phép gia chủ bố trí, thiết kế theo nhiều kiểu dáng, hình thức bắt mắt, sang trọng tùy thích. Nếu như mái tôn xấu xí thì trần nhà đã có thể che hết khuyết điểm này. Các công trình nhà ống, văn phòng làm việc nhiều tầng, KTS cũng ưu tiên giải pháp trần thạch cao để giấu đường điện, ống nước…
Trần thạch cao xếp theo các lớp, có bố trí đèn bên trong giúp không gian sinh hoạt của gia đình thêm ấm cúng, tăng tính thẩm mỹ cho không gian.
-
Thi công nhanh chóng, giảm chi phí đầu tư
Nhìn chung, vật liệu này thi công nhanh chóng, dễ dàng tháo lắp, tuổi thọ cũng bền bỉ hơn các loại trần khác. Tuy nhiên, xét về giá, trần thạch cao vẫn đắt hơn trần nhôm, trần nhựa…
Rủi ro với trần thạch cao khi nhà lợp mái tôn
-
Trần thạch cao kỵ nước
Trần thạch cao kỵ nước, dễ bị thấm nước – đây là nhược điểm lớn nhất so với các vật liệu làm trần khác. Gây nên tình trạng ố vàng, mủn, mốc. Lúc này, gia chủ cần phải trét và sơn lại. Tuy nhiên, rất khó để sơn màu đồng nhất với các phần còn lại. Với những loại trần thạch cao kém chất lượng thì nguy cơ càng cao.
Ngoài ra, khi bị ngấm nước lâu sẽ gây ra các vết nứt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Về dài, các vết nứt sâu có thể bị vỡ, rơi xuống, gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình.
-
Khung mái tôn dễ bị rung lắc
Do phần khung của trần thạch cao treo trực tiếp trên khung mái tôn. Vì thế, khi khung mái tôn bị rung lắc trước gió bão lớn, chắc chắn sẽ làm cho trần thạch cao phía dưới lắc theo. Tạo thành những vết nứt ảnh hưởng đến thẩm mỹ của công trình.
-
Dễ bị co ngót, tuổi thọ giảm
Tuổi thọ của trần thạch cao được khoảng 10 năm hoặc kéo dài hơn nữa nếu gia chủ biết cách bảo dưỡng, xử lý sự cố. Tuy nhiên, khi treo dưới mái tôn, tuổi thọ sẽ giảm và dễ bị co ngót trước tác động của ngoại cảnh, nhất là với trần chìm.
-
Chuột trên mái
So với đổ mái bê tông bịt kín, nhà lợp mái tôn, chuột vẫn có thể chui vào bên trong. Khi đó, chẳng những gia chủ khó xử lý mà còn ảnh hưởng đến tuổi thọ của trần. Bầy chuột sẽ chạy nhảy, cắn phá, cào lên mặt, tạo ra những âm thanh khó chịu và làm hỏng trần.
-
Khả năng chống nóng dưới mái tôn chưa thực sự tối ưu
Mặc dù trần thạch cao có khả năng chống nóng tốt. Tuy nhiên, mái tôn lại hấp thụ nhiệt cao, truyền nhiệt tốt. Do đó, khả năng chống nóng cho ngôi nhà chưa thực sự tối ưu. Vào những ngày hè nóng bức, nhà cấp 4 lợp mái tôn có đóng trần thạch cao chắc chắn vẫn rất nóng nực, khó chịu.
Những rủi ro kể trên sẽ phát sinh sớm hơn nếu gia chủ lựa chọn trần giá rẻ, kém chất lượng. Vì vậy, nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ trước khi có ý định thi công.
Vậy nhà mái tôn có đóng trần thạch cao được không?
Từ phân tích ưu – nhược điểm ở trên thì mái nhà tôn có nên làm trần thạch cao không? KTS Đoàn Tú trả lời:
Mái nhà tôn vẫn nên làm trần thạch cao thay thế cho trần nhôm, trần nhựa, la phông gỗ. Tuy nhiên trước khi thi công, cần kiểm tra mái tôn có bị thấm dột không? có chuột ở trên đó hay không? Tiếp đến, vệ sinh mái tôn sạch sẽ cả trong lẫn ngoài để đảm bảo độ bền cho vật liệu.
Mái tôn nên làm những loại trần thạch cao nào?
Trần thạch cao nổi và chìm là 2 loại chính được sử dụng cho nhà mái tôn. Mỗi loại sẽ có những ưu nhược điểm riêng:
- Trần nổi: Hay còn được gọi là trần thạch cao thả, có khung xương nổi trên bề mặt sau khi lắp đặt hoàn thiện. Chi phí thi công vừa phải nhưng lại khó thay đổi mẫu mã vì đây là những tấm có kích thước cố định, tính thẩm mỹ không cao.
- Trần chìm: Là trần có khung xương được ẩn toàn bộ bên trên cá tấm thạch cao, không thể nhìn thấy sau khi thi công hoàn thiện. Vì vậy, dễ gây nhầm lẫn với trần bê tông. Phần khung xương của trần nhẹ nhàng, khả năng chịu lực tốt. Vừa đảm bảo độ chắc chắn và tính thẩm mỹ.
Trần thạch cao chìm còn được chia làm 2 loại: trần phẳng và trần giật cấp. Trần phẳng thi công nhanh gọn, tiết kiệm chi phí và công sức hơn.
Trần giật cấp có nhiều kiểu khác nhau, phù hợp với nhiều phong cách thiết kế, trang trí tùy theo bản vẽ thiết kế và tay nghề thi công của đội thợ. Tuy nhiên, thi công phức tạp, đòi hỏi giám sát chặt chẽ, đúng kỹ thuật. Trường hợp bị hỏng, thấm dột do mái tôn bị thấm dột, gia chủ phải tháo ra sửa lại toàn bộ, tốn kém chi phí.
Vậy, với mái tôn, gia chủ có thể chọn loại trần thạch cao nổi khung xương hoặc trần chìm loại phẳng. Đây là 2 giải pháp thi công tối ưu hơn cả.
Lưu ý khi mái tôn làm trần thạch cao
- Kiểm tra mái tôn, quét dọn, xử lý nếu có chuột hoặc bị thấm dột.
- Khoảng cách giữa mái tôn và trần không nên đặt quá sát, ưu tiên càng xa càng tốt. Đây cũng có thể trở thành một khoảng cách nhiệt hiệu quả cho mái tôn.
- Gia chủ vẫn nên sử dụng thêm xốp cách nhiệt ở giữa 2 lớp vật liệu này. Vừa để giảm nhiệt hấp thụ, vừa hạn chế tác động của độ ẩm do mái tôn bị dột.
- Nếu nhà ở khu vực ven biển hoặc thường xuyên chịu tác động của gió, bão lớn? Gia chủ không nên làm trần thạch cao. Hoặc nếu làm, không nên treo khung xương vào khung mái tôn. Thay vào đó, làm thêm thanh xà gồ để nối từ bên này sang bên kia. Sau đó treo khung xương trần thạch cao lên đó. Xà gồ phải to, khỏe, chắc chắn, khả năng chịu lực lớn. Tuy nhiên, cũng khá tốn kém chi phí.
Tóm lại
Mái tôn vẫn có thể làm trần thạch cao như bình thường. Bên cạnh đó, gia chủ có thể làm các loại trần khác như: trần nhựa, la phông gỗ, trần tôn, trần nhôm… Hi vọng những thông tin Kiến trúc Tây Hồ cung cấp trên đây sẽ giúp gia chủ thấy yên tâm hơn khi quyết định làm trần thạch cao cho ngôi nhà của mình.