Giếng trời nhà bị hắt mưa do thi công sai kỹ thuật? Hoặc xây dựng đã lâu nay bị xuống cấp, tác động xấu của thời tiết? Vậy làm thế nào để khắc phục hiệu quả, triệt để mà không làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung của ngôi nhà? Cách làm sẽ được Kiến trúc Tây Hồ hướng dẫn chi tiết trong bài viết dưới đây.
Giếng trời bị hắt mưa: Lợi bất cập hại
Chức năng chính của giếng trời là thông gió và lấy sáng tự nhiên. Khi được thiết kế đúng kích thước, kỹ thuật, lắp đặt vật liệu phù hợp, nó có khả năng cung cấp xuyên sáng nhiều hơn từ 30 – 40% so với cửa sổ. Ngoài ra, giếng trời còn:
- Đảm bảo thông gió đầy đủ cho các phòng, cải thiện chất lượng không khí trong nhà.
- Tạo cảm giác thoải mái, giảm bí bách, khó chịu với nhà phố, nhà ống chật chội.
- Có tác dụng trang trí, tăng thẩm mỹ cho khối kiến trúc – nội thất nhà ở.
Để đảm bảo các chức năng đó, giếng trời cần được thiết kế mở ra với thiên nhiên bên ngoài. Có 2 phương án thi công phổ biến được áp dụng. Cách thứ nhất là sử dụng mái che trong suốt phía trên. Cách thứ hai là để hở phía trên và xây tường giếng trời bằng kính cường lực trong suốt thẳng đứng trong nhà, phân tách 2 không gian. Với nhà phố, nhà ống có diện tích nhỏ hẹp thì cách thi công thứ nhất được áp dụng phổ biến hơn cả.
Song, rất nhiều trường hợp trên bản vẽ thiết kế thì rất đẹp, rất chỉn chu. Nhưng khi đưa vào sử dụng, chính khu vực giếng trời lại “tạo điều kiện” cho mưa hắt vào nhà. Kết quả, nhà nhiều tầng vẫn bị dột. Nước mưa thấm vào làm sàn nhà trơn trượt. Nội thất gỗ tự nhiên/ gỗ công nghiệp thấm nước lâu ngày bị ẩm, mốc, mối, mọt, xuống cấp. Chưa kể còn gây ra hàng loạt bất tiện cho sinh hoạt trong gia đình.
Bài viết liên quan: Nguyên tắc thông gió giếng trời cần tuân thủ
Tại sao giếng trời bị mưa hắt, dột?
Để khắc phục triệt để tình trạng hắt, dột ở giếng trời, trước tiên phải tìm ra nguyên nhân cốt lõi.
Khu vực giếng trời bị hắt có thể do một trong các nguyên nhân sau:
- Kích thước mái che so với kích thước cửa giếng bị ngắn hơn.
- Khoảng đua ra của mái che chưa đủ. Khi trời mưa, nước mưa vẫn bị gió kéo vào khe hở thông gió của giếng trời.
- Mái che bị hở, vênh lên do lắp đặt sai kỹ thuật.
- Mái che bị cong vênh, thủng dột do đã sử dụng trong một thời gian dài, vật liệu xuống cấp; hoặc do mưa bão tác động.
Cách khắc phục giếng trời nhà bị hắt mưa
Giếng trời lấy gió, lấy sáng mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng. Nhưng khi cuốn theo mưa hắt vào nhà, nó lại gây ra rất nhiều bất tiện. Dễ nhìn thấy nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt cũng như độ bền của đồ dùng nội thất.
Muốn khắc phục triệt để, gia chủ cần tiến hành theo các bước sau:
- Bước 1: Kiểm tra toàn bộ hệ thống thông gió, mái kính giếng trời. Tìm ra nguyên nhân khiến giếng trời bị hắt mưa.
- Bước 2: Xử lý theo các nguyên nhân:
Nếu tấm mái kính bị ngắn hơi hoặc chưa đủ khoảng đua vượt ra xa so với khoảng hở, nên thiết kế lại tấm mái mới. Nên duy trì khoảng cách từ 60 – 70cm.
Nếu phát hiện mái che bị thủng lỗ nhỏ, có thể khắc phục bằng cách dùng silicone chống nước để vá.
Thay thế mái che giếng trời nếu bộ phận này đã xuống cấp. Khi thi công lại, cần lưu ý: Nên làm thêm sắt ở phần biên đỉnh giếng và chừa lại ở phía góc xung quanh.
Nhiều trường hợp mưa to gió lớn, nước mưa vẫn bị cuốn theo chiều ngang. Lúc này, kể cả khoảng đua đã vượt ra xa so với khoảng hở giếng trời, nhưng nước mưa vẫn có thể theo gió hắt vào bên trong. Khắc phục tình trạng này bằng cách sử dụng lưới xanh mật độ cao để phủ lên phía phía trên miệng giếng trời.
Dùng đinh vít bắn cố định tấm lưới vào khung sắt của mái kính. Như vậy, tấm lưới sẽ ngăn gió cuốn mưa hắt vào nhà thông qua khoảng hở giếng trời. Ngoài ra tấm lưới cũng có tác dụng ngăn côn trùng, ruồi muỗi bay vào nhà. Trong khi đó, khu vực này vẫn đảm bảo chức năng lấy sáng, thông gió.
Phòng hơn chữa: Lưu ý khi thiết kế giếng trời chống hắt mưa
Giếng trời đã trở nên phổ biến trong các công trình nhà ở dân dụng nhiều tầng. Nhất là nhà trong hẻm, trong phố, nhà ống thiếu sáng, thiếu gió. Nhiều người chủ động đề xuất với KTS bổ sung giếng trời. Và kể cả KTS cũng linh hoạt đưa ra phương án thiết kế lấy sáng, thông gió từ giếng trời cho gia chủ.
Trong tổng thể công trình kiến trúc, giếng trời chỉ là một khu vực nhỏ. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng và tác động sau cùng của nó lại rất lớn. Một khi đã thi công hoàn thiện, rất khó chỉnh sửa, khắc phục.
Giếng trời đẹp, nhưng bị hắt mưa thì thật là bất tiện. Vì vậy, giải pháp tốt nhất để tránh tính trạng mưa hắt từ giếng trời vào nhà là gia chủ và KTS phải nghiên cứu kỹ lưỡng phương án thiết kế. Đảm bảo:
- Kích thước khoảng từ 5 – 15% diện tích sàn và số lượng cửa sổ trong nhà.
- Lựa chọn vật liệu thi công mái giếng trời bền bỉ, chắc chắn. Có thể là tấm lợp polycarbonate, kính cường lực…
- Duy trì khoảng đua của tấm mái ra xa so với khoảng hở.
Bài viết liên quan: Các kiểu mái che giếng trời phổ biến nhất hiện nay
Tóm lại
Trên đây là một vài mẹo nhỏ để khắc phục tình trạng giếng trời nhà bị hắt mưa. Giếng trời là khu vực thông gió, lấy sáng hiệu quả cho nhà ống. Thiết kế giếng trời còn tính đến yếu tố thẩm mỹ, tạo không gian thư giãn ngay trong nhà ở. Vì thế, đừng để một lỗi nhỏ làm ảnh hưởng đến chức năng của nó.