Trước khi sơn nhà cần làm gì? Sơn nhà không chỉ vì tính thẩm mỹ mà còn để bảo vệ kết cấu ngôi nhà, tăng khả năng chống thấm, chống nóng từ bên ngoài. Vì vậy để sơn nhà đúng quy trình, đúng yêu cầu kỹ thuật, gia chủ cần chuẩn bị kỹ lưỡng cả vật liệu và bề mặt. Cụ thể, các bước chi tiết sẽ được kỹ thuật của Kiến trúc Tây Hồ chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Chống thấm
Vật liệu xây dựng có bề mặt nhẵn phẳng đến đâu thì vẫn không thể chống thấm nước tuyệt đối. Vì chúng có những lỗ nhỏ li ti như mao quản, cùng với những vết nứt nhỏ khó nhìn thấy bằng mắt tường. Các lỗ nhỏ này sẽ ngày càng lớn dần do sự co ngót biến động của vật liệu khi thời tiết thay đổi. Hệ quả làm cho công trình bị thấm. Vì thế, trước khi sơn nhà, cần thực hiện chống thấm cho tường. Đặc biệt là tường ngoại thất, nhà vệ sinh, bể nước, mái nhà.
Gia chủ có thể chống thấm bằng hai cách:
- Dùng chất chống thống sản xuất từ dung môi hữu cơ quét lên bề mặt công trình.
- Dùng các chất nhũ tương không thấm quét lên bề mặt tường. Nhũ tương bay hơi tạo thành các hạt nhựa lấp kín lỗ nhỏ li ti và vết nứt.
Bài viết liên quan: Nhà xây tường 10 có bị thấm không?
Hoàn thiện tường
Tường là bộ phận cấu trúc quan trọng của công trình. Chức năng của tường là phân chia công năng, chịu lực cho sàn, mái, trần. Mặt tường bên ngoài yêu cầu chịu được thời tiết, chống thấm, cách nhiệt hiệu quả. Đồng thời tăng yếu tố thẩm mỹ cho toàn bộ công trình kiến trúc. Vì thế, ngoài việc lựa chọn vật liệu và kỹ thuật thi công, cần phải tiến hành xử lý bề mặt tường và chọn màu sơn phù hợp. Hay còn gọi là chuẩn bị không gian sơn.
Các bước chuẩn bị gồm: trát tường, làm sạch và khô bề mặt. Loại bỏ hoàn toàn dầu mỡ, bụi bẩn, mạng nhện, rong rêu. Yêu cầu độ ẩm của tường không được trên 16% (đo bằng máy đo).
Màu sơn tường đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện tường và ngôi nhà. Sơn sáng màu, màu nhạt sẽ phản xạ ánh sáng tốt và làm nổi bật các đồ vật, không gian, diện tích trong nhà. Sơn tối màu, màu sẫm hấp thụ ánh sáng mạnh, làm tăng tính riêng tư của từng không gian trong nhà.
Bài viết liên quan: Cách sửa lại tường nhà bị bong tróc nhanh chóng, triệt để, hiệu quả
Chọn loại sơn thích hợp
Sơn các công trình kiến trúc xây dựng gồm 2 loại: sơn gốc nước và sơn dầu. Gia chủ có thể chọn một trong 2 loại.
- Sơn dầu là hỗn hợp của chất tạo màu, chất độn được nghiền mịn cùng với dầu thực vật. Chất lượng của loại sơn này được đánh giá bằng hàm lượng chất tạo màu và dầu sơn.
- Sơn nước là hỗn hợp các chất kết dính vô cơ, bột màu và các chất phụ gia được hòa vào trong nước. Sơn thường được sản xuất từ bột đá phấn nghiền mịn, bột tan, bột kẽm trắng và bột màu bền kiềm cùng với dung dịch thủy tinh lỏng natri hoặc kali.
Bạn nên ghé thăm và tham khảo một số cửa hàng phân phối chính hãng. Kiểm tra mẫu, lắng nghe tư vấn dịch vụ, sản phẩm, chất lượng, bảo hành. Khi mua sơn, cần lưu ý:
- Sơn kém phẩm chất, chậm khô sẽ có mùi chua, hôi khói cao su, màu không tươi.
- Hộp sơn phải nguyên viện, không bị móp hay chảy ra bên ngoài.
- Sơn không bị vón cục, đục hoặc đóng màng bên ngoài.
- Khi cho bút sơn vào khuấy đều và nhấc lên, sơn phải bám dính vào bút chứ không bị chảy thành từng giọt.
Chọn màu sơn cho ngôi nhà và các phòng
Mỗi loại sơn lại có nhiều bảng màu khác nhau để gia chủ lựa chọn. Lưu ý, màu sơn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cảm giác cho con người khi sống ở trong đó. Các gam màu nóng có tác dụng kích thích, gây phản ứng mạnh. Màu lạnh lại có tác dụng thư giãn, tạo sự mát mẻ, thoải mái.
Màu lục mang đến sự bình yên, cảm giác tươi mới. Màu xanh da trời có tác động tốt đến giấc ngủ. Màu tím gây sự thụ động, buồn chán. Màu nâu trì trệ. Màu đen gây ấn tượng nặng nề. Màu trắng gợi sự lạnh lùng, trống rỗng. Màu đỏ tăng nhịp thở, nâng cao áp suất máu. Màu cam mang lại sự hưng phấn. Trong khi màu vàng lại kích thích trí óc.
Dựa vào tâm lý học màu sắc như trên, gia chủ và kiến trúc sư có thể lựa chọn bảng màu phù hợp với mong muốn và không gian thực tế. Đồng thời sử dụng màu sơn để sửa chữa các khiếm khuyết của phòng.
Tuy nhiên, mức độ tác động của màu sắc đến tâm lý con người rất phức tạp, phù thuộc vào nhiều yếu tố. Vì thế, các gợi ý trên chỉ mang tính tương đối. Còn phụ thuộc nhiều vào con mắt thẩm mỹ, tâm lý và ý thích người dùng. Ví dụ: nội – ngoại thất sơn sáng màu (trắng, be sáng); phòng ngủ bố mẹ lại thích màu trầm; phòng ngủ con gái sơn màu hồng; phòng ngủ con trai sơn màu ghi, xanh dương…
Ước lượng khối lượng sơn cần mua
Khối lượng sơn sẽ được tính dựa vào m2 tường nhà cần phải sơn. Với nhà cấp 4 đơn giản, không có trần, chỉ cần cộng diện tích của các bức tường lại. Sau đó trừ đi diện tích cửa sổ sẽ ra tổng m2 tường cần sơn.
Công thức tính khối lượng sơn trong nhà
Với những ngôi nhà phức tạp hơn, áp dụng công thức dưới đây để tính sơn trong nhà:
D = S x A x K
Trong đó:
D: diện tích cần sơn (m2)
S: diện tích sàn nhà (m2)
A: số tầng của ngôi nhà (tầng)
K: hệ số, giao động từ 3 – 4,5 (áp dụng cho nhà có chiều cao từ 3,5 – 4m). Cụ thể:
- Nhà cấp 4 đơn giản thì K = 3
- Nhà cấp 4 có trần thì K = 3,5
- Nhà nhiều tầng, nhiều phòng và cửa thì K = 4
- Nhà nhiều tầng, nhiều phòng nhưng ít cửa thì K = 4,5
Ví dụ: tính diện tích cần sơn cho nhà 4 tầng, kích thước 5 x 17m, mỗi tầng cao 4m, nhiều phòng, nhiều cửa thì:
D = (5 x 17) x 4 x 4 = 1.360m2
Công thức tính sơn ngoài trời áp dụng:
D1 = S1 x K1
Trong đó:
D1: diện tích cần sơn ngoài trời (m2)
S1: diện tích nhà bên ngoài (m2)
K1: hệ số, giao động từ 1,1 – 1,8. Cụ thể:
- Nhà nào nhiều phào chỉ, ban công, con tiện thì hệ số càng lớn.
- Trường hợp nhà nào chỉ sơn mặt tiền thì S1 chính là diện tích mặt tiền.
- Trường hợp sơn toàn bộ xung quanh ngôi nhà, S1 là diện tích xung quanh nhà.
Dựa vào công thức trên, bạn tính toán để ước lượng khối lượng sơn. Hoặc nếu không có kinh nghiệm, hãy để nhân viên tại cửa hàng tư vấn. Với những ngôi nhà thuê thiết kế 2D 3D, đơn vị thiết kế kiến trúc sẽ bóc tách khối lượng vật tư xây dựng và hoàn thiện. Giúp chủ nhà tiết kiệm thời gian cũng như chi phí thi công.
Chuẩn bị dụng cụ cần thiết trước khi sơn nhà
Sơn nhà cần mua những gì? Để bề mặt sơn nhẵn mịn, ngoài màu sơn bên ngoài, bạn cần mua thêm nguyên liệu để sơn các lớp lót. Cụ thể:
- Lớp matit (bột trét): Lớp này dùng để làm phẳng về mặt cần sơn.
- Lớp sơn lót: Lớp này có tác dụng ngăn chất kiềm và hơi ẩm ở trong tường thoát ra ngoài. Bảo vệ bề mặt tường theo thời gian.
- Lớp sơn ngoài cùng (sơn phủ): Có màu sắc hài hòa và phù hợp với lớp sơn lót.
Trước khi sơn nhà cần chuẩn bị thêm:
- Chổi quét hoặc chổi con lăn. Thông thường, chổi con lăn giúp bề mặt sơn mịn mượt hơn.
- Giấy nhám hoặc máy chà nhám. Vật liệu được dùng để làm mịn, phẳng bề mặt tường. Loại bỏ hoàn toàn các chỗ gồ ghề, lồi lõm, bụi phấn xi măng.
- Dụng cụ che chắn khi sơn. Dù là sơn nội thất hay ngoại thất đều cần chuẩn bị bạt hoặc nilon khổ lớn che lại phần sàn, các đồ dùng nội thất trong nhà (nếu có sẵn), ổ cắm điện, công tắc, ổ khóa, cửa. Tránh để sơn dính bẩn và rút ngắn thời gian dọn dẹp sau khi hoàn thiện.
- Thùng và khay để ngâm chổi cọ quét, con lăn.
- Cây sào dài gắn vào chổi con lăn để sơn những khu vực ở trên cao.
- Quần áo bảo hộ khi sơn nhà.
Kết luận
Trước khi sơn nhà cần làm gì? Để ngôi nhà sơn hoàn thiện đẹp nhất, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng và sạch sẽ bề mặt tường, xử lý chống thấm; chọn loại sơn, màu sơn, chuẩn bị khối lượng sơn, pha màu; chuẩn bị các dụng cụ cần thiết. Những bước này được thực hiện đúng yêu cầu thì sơn sẽ bám chắc hơn, bền màu và đẹp hơn.