Không có sẵn vị trí đất nền thuận lợi, nhiều gia đình bắt buộc phải xây nhà trên nền đất ruộng. Điều mà chủ nhà lo lắng nhất ở đây là làm thế nào để công trình nhà ở kiến cố. Không bị sụt lún, nghiêng, rạn nứt cục bộ/ toàn phần? Bài viết dưới đây, KTS Đoàn Tú sẽ tổng hợp và chia sẻ kinh nghiệm xây nhà và làm móng nhà trên nền đất ruộng yếu để gia chủ, nhà thầu thi công tham khảo.
Nền đất ruộng là gì?
Đất ruộng hay đất nông nghiệp là đất canh tác, bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. Đất được nhà nước giao cho dân để phục vụ sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Trường hợp xây nhà trên nền đất ruộng, có nghĩa là miếng đất ruộng được phép san lấp để mở rộng diện tích làm nhà ở. Đất ruộng hoặc ao hồ san lấp làm nhà đều là nền đất yếu. Đây là những nền đất có kết cấu không vững chắc.
Do đó, trong quá trình xây nhà, không thể áp dụng cách làm móng, xây nhà như trên đất chắc được. Mà cần phải có giải pháp thiết kế, thi công hợp lý. Đảm bảo an toàn, tránh sụt lún, lở đất về sau. Bạn cũng nên lưu ý, xây nhà trên đất ruộng khi chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ là vi phạm pháp luật. Hành vi xây nhà trên đất nông nghiệp có bị phạt không? Phạt bao nhiêu? Bạn tham khảo tại bài viết Xây nhà trên đất nông nghiệp có bị phạt không?
Có nên xây nhà trên nền đất ruộng?
Đất ruộng là nền đất yếu. Tỷ lệ sụt lún, nghiêng lệch cao. Trong khi đó, làm nhà lại phải bỏ ra một khoản chi phí tương đối lớn. Ai cũng mong công trình sẽ kiên cố, vững chắc. Hạn chế việc sửa chữa, chắp vá về sau.
Vì thế, tất nhiên không ai muốn làm nhà trên đất ruộng cả. Song không phải gia đình nào cũng may mắn sở hữu mảnh đất cứng, đẹp, chắc chắn. Nên trường hợp bất di bất dịch, ta vẫn phải làm nhà trên nền đất ruộng.
Làm nhà trên đất ruộng có sao không? Làm nhà trên nền đất này, chi phí sẽ cao hơn nhiều so với các mặt bằng khác. Vì thế, gia chủ cần phải cân nhắc lựa chọn đơn vị thiết kế – thi công uy tín, các Kiến trúc sư giàu kinh nghiệm. Họ sẽ tư vấn cho bạn phương án thi công phù hợp nhất với từng địa chất đất cụ thể. Giảm thiểu chi phí, đảm bảo an toàn khi ở.
Giải pháp xây nhà trên nền đất ruộng
Khảo sát địa chất khu vực đất xây dựng nhà ở
Trước tiên và quan trọng nhất, gia chủ cùng với đơn vị thiết kế, thi công phải khảo sát mặt bằng địa hình. Khâu khảo sát phải thực hiện kỹ càng, tiến hành đo đạc để xác định độ sâu, lớp đất, hệ số rỗng, độ bão hòa, sức chịu tải… Từ đó, đưa ra phương án thi công phù hợp.
Đối với nền đất yếu, sẽ có một số cách nhận biết như sau:
Định lượng: khả năng chịu sức tải kém, dễ bị phá hoại, biến dạng.
Các tiêu chí vật lý cho thấy nền đất yếu như sau:
Dung trọng | <=1,7 T/m3 |
Hệ số rỗng | e>= 1 |
Độ ẩm | W >= 40% |
Độ bão hòa | G >= 0,8 |
Dựa vào các chỉ tiêu cơ học sẽ có thông số như sau:
Sức chịu tải bé | R = (0,5 – 1)kG/cm2 |
Modun biến dạng | E0 <= 50kG/cm2 |
Hệ số nén | a >= 0.01 cm2/kG |
Góc ma sát trong | fi <= 10 độ |
Lực dính (đối với đất dính) | c <= 0,1 kG/cm2 |
Lựa chọn giải pháp phù hợp với địa chất
Các kiến trúc sư sẽ dựa vào chỉ số khảo sát thực tế để có phương án thiết kế – thi công phù hợp. Trong đó, hai giải pháp được ứng dụng phổ biến hiện nay là: thay đổi kết cấu đất xây dựng và thay đổi móng nhà.
Thay đổi kết cấu đất xây dựng
Khả năng chịu tải của nền đất kém. Nếu không có phương án thi công kết cấu phù hợp thì kết cầu nhà có thể bị phá học cục bộ hoặc hoàn toàn do sụt lún. Vì thế, trong giai đoạn thi công, cần có những biện pháp làm tăng khả năng chịu lực của kết cấu nhà. Hoặc giảm áp lực tác dụng lên mặt nền.
Có thể dùng vật liệu nhẹ, có kết cấu nhẹ, hay các thanh mảnh để giảm sức nặng cho công trình.Tuy nhiên vật liệu đó vẫn phải đảm bảo khả năng chịu lực.
Hoặc có thể phân cắt các mặt bằng công trình nhà ở bằng các khe lún. cách này khử được ứng suất phụ có phát sinh (đây là nguyên nhân làm cho công trình bị sụt lún, lệch).
Dùng đai bê tông cốt thép khi xây dựng. Đai bê tông cốt thép có tác dụng tăng khả năng chịu ứng suất kéo khi chịu định uốn.
Thay đổi phần móng nhà phù hợp
Thay đổi móng nhà là phương án hiệu quả giúp chủ nhà giải quyết phần nền đất yếu được các đơn vị thi công áp dụng. Có các cách như sau:
Cách 1: Thay đổi móng nhà và độ cứng của móng phù hợp
Gia chủ có thể thay móng đơn bằng móng băng, móng băng giao thoa hoặc móng bè, móng hộp. Nếu thi công móng băng nhưng vẫn bị biến dạng, cần kết hợp phương pháp tăng khả năng chịu lực cho móng nhà.
Biện pháp tăng khả năng chịu lực như: tăng chiều dày cho móng, tăng độ cứng kết cấu bố trí ở trên, tăng cường cốt thép dọc chịu lực. Khi móng bản, móng băng càng lớn thì độ lún và khả năng biến dạng càng bé.
Cách 2: Thay đổi hình dạng và kích thước móng nhà
Việc thay đổi kích thước và hình dạng móng sẽ thay đổi áp lực lên mặt nền. Nhờ đó, giúp cải thiện khả năng chịu tải của móng, giảm độ biến dạng.
Thay đổi kích thước móng nhà phù hợp. Khi diện tích phần đáy lớn thì sẽ giảm được áp lực từ trên, giảm độ sụt lún cho công trình.
Cần lưu ý, nếu đất có tính nén tăng dần theo chiều sâu thì phương pháp này sẽ bị “phản tác dụng”.
Cách 3: Thay đổi chiều sâu chôn móng
Chiều sâu của móng sẽ được tính từ mặt đất đến hố móng. Thay đổi chiều sâu này cũng giúp giảm sụt lún, nghiêng lệch của công trình và khả năng chịu tải của nền.
Ngoài ra, khi móng được chôn sâu cũng sẽ làm giảm ứng suất gây lún. Chôn sâu móng chính là đặt móng xuống các tầng đất sâu, ổn định hơn. Như vậy, móng sẽ chắc chắn hơn. Tuy nhiên, móng chôn sâu cũng rất tốn kém. Vậy nên, khi áp dụng phương pháp này cần phải cân nhắc đến kinh tế và cả kỹ thuật thi công.
Khi đổ bê tông móng nhà, nên sử dụng bê tông tươi hay bê tông trộn tay? Loại bê tông nào tốt hơn? Mời bạn tham khảo bài viết này.
Xử lý nền đất ruộng yếu
Ngoài 2 cách phổ biến trên thì một số cách xử lý nền đất ruộng yếu dưới đây cũng có thể được áp dụng. Tùy thuộc vào từng vị trí nền đất cụ thể.
Cách 1: Thay nền đất
Có thể thay thế một phần hoặc toàn bộ đất nền yếu bằng gối cát, đệm cát khả năng chịu lực tốt. Tuy nhiên
Cách 2: Xử lý cơ học
Sử dụng phương pháp nén trước – tải trọng tĩnh, dùng cọc không thấm, sử dụng tải trọng động (đầm chấn động). Cách này cũng được dùng khá nhiều.
Cách 3: Xử lý nhiệt học
Nếu điều kiện tự nhiên cho phép, hoàn có thể áp dụng phương pháp này. Đặc biệt, dùng nhiều cho đất sét, đất cát mịn. Dùng khí nóng trên 800 độ để thay đổi đặc tính lý hóa của nền đất yếu.
Những lưu ý quan trọng khi làm nhà trên nền đất ruộng
Khâu làm móng nhà trên nền đất ruộng
Khi làm nhà trên nền đất ruộng, gia chủ có thể lựa chọn móng đơn hoặc móng băng trên nền đất tự nhiên, nếu như lớp đất yếu chỉ sâu <2.5m.
Trường hợp sử dụng móng đơn hoặc móng băng trên cừ tràm nếu lớp đất bùn, đất yếu đó sâu >2,5m.
Đối với nhà cấp 4, khi xây nhà trên nền đất ruộng có lớp bùn yếu <2,5m thì phải nạo vét lớp bùn bên dưới. Sau đó tiến hành rải đá xanh 4×6 làm đệm (cũng có thể dùng đá hộc). Tiến hành lắp đặt cốt thép, sau đó làm móng đơn.
Trường hợp nhà cấp 4 có lớp đất bùn yếu >2,5m, quá trình làm móng cần phải gia cố bằng cừ tràm. Đặt trung bình 25 cây/m2. Đổ bê tông đá xanh 4×6 lên trên mặt lớp cừ tràm. Sau đó lớp lắp cột thép, làm móng đơn như bình thường.
Đối với các công trình nhà ở có tầng hầm hoặc một nửa tầng hầm. Phần nền sẽ không xây trực tiếp trên nền đất yếu. Thay vào đó, xây sàn rỗng bê tông cốt thép để tránh sụt lún.
Khâu xây dựng
Quản lý chất lượng: từ khâu thiết kế bản vẽ đến thi công cần đảm bảo đúng kỹ thuật. Đặc biệt giai đoạn thi công, nhà thầu cần giám sát chặt chẽ, chọn loại bê tông đổ móng, bảo dưỡng bê tông… Đảm bảo không có sự cố xảy ra trong quá trình thi công. Hiện nay, xu hướng sử dụng bê tông tươi thương phẩm đổ móng nhà đang được áp dụng phổ biến, tăng khả năng chịu lực.
Kỹ thuật thi công: Khi đào lớp đất mềm cần dào nhanh, đúng kỹ thuật để tránh sạt lở. Sử dụng cốt thép có khả năng chịu lực cao, cốp pha kích thước lớn, dàn giáo kiểu mới… Quá trình làm móng cần phải đúng yêu cầu kỹ thuật thì nhà mới vững chắc.
Tóm lại, làm móng nhà trên nền đất ruộng đòi hỏi kỹ thuật thiết kế, thi công cao. Quan trọng vẫn là người Kiến trúc sư và giám sát thi công phải có nhiều kinh nghiệm. Kịp thời đưa ra phương án giải quyết linh hoạt. Hi vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp gia chủ phần nào giải quyết được khó khăn mặt nền xây nhà.