Đặt cầu thang đúng tâm nhà, bố trí phòng vệ sinh ở trung cung, xây nhà bếp trên 4 tuyến chẵn/ lẻ… là những sai lầm cơ bản thường gặp trong thiết kế nhà ở. Về lâu dài, cái “ung nhọt” này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến vận khí, phong thủy của gia đình chưa kể thói quen sinh hoạt. Trong bài viết này, chuyên gia phong thủy của Kiến trúc Tây Hồ sẽ thống kê chi tiết nhất những lỗi phong thủy cần tránh khi xây nhà để gia chủ nắm bắt. Đồng thời đưa ra một vài lời khuyên hữu ích trong bố trí công năng hoàn thiện. Nếu chuẩn bị xây nhà mới, gia chủ không nên bỏ qua!
Tổng hợp những lỗi phong thủy cần tránh khi xây nhà mới
Để phòng khách quá rộng trong một căn nhà nhỏ
Phòng khách quá rộng trong khi diện tích nhà nhỏ tạo cảm giác lạnh nhạt, trống vắng. Trong khi đó, phòng khách là căn phòng ngoại giao, là nơi gặp gỡ, hội tụ, hàn huyên của cả gia đình.
Vì vậy, gia chủ nên cân đối diện tích của phòng khách với các không gian khác. Đừng để diện tích quá rộng hoặc quá hẹp.
Mở cửa cổng, cửa chính ra ngoài
Cách cửa của cổng nhà và cửa chính nhà không nên mở đẩy ra ngoài. Ngược lại, đẩy cửa vào phía trong. Điều này mang hàm ý nhân sinh. Chủ nhà luôn niềm nở, vui tươi, cởi mở khi đón khách khứa vào chơi nhà.
Đặt cầu thang ở đúng tâm nhà
Bậc cầu thang cuối cùng của nhịp thang bước lên sàn nhà rơi vào đúng tâm nhà ảnh hưởng rất lớn đến phong thủy khai vận. Hoặc hành lang dẫn khí nên nằm chính giữa tạo thành đường cắt ngang/ dọc ngôi nhà – thế trảm tâm sát (gặp phổ biến ở nhà ống).
Đây là một trong những lỗi phong thủy cần tránh khi xây nhà mà gia chủ buộc phải nằm lòng. Kể cả khi bản vẽ thiết kế được thực hiện bởi KTS, gia chủ cung nên chú ý điều này.
Xây nhà có số phòng chẵn
Số chẵn thiên về phần âm. Xây nhà với tổng số phòng là số chẵn khiến cuộc sống gia đình lục đục, dễ bị phá hoại, gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, khi tổng số phòng là lẻ – số dương – làm ăn may mắn, đại cát, đại lợi, vận khí tốt.
Đây là lỗi phổ biến thường gặp nhất ở nhà ống có cầu thang giữa. Khi đó, cầu thang làm nhiệm vụ chia đôi căn nhà. Mỗi bên sẽ tạo thành 1 phòng. Tính tổng có thể ra số chẵn. Vậy nên gia chủ cần hết sức lưu ý trong quá trình bố trí công năng.
Sử dụng màu sắc không có sự tính toán
Màu sắc trong căn nhà cũng ảnh hưởng rất nhiều tới yếu tố phong thủy. Việc lựa chọn màu sắc không có sự tính toán (màu trần đậm hơn màu nền, thiên nhiều về những màu âm tính như đen, tím, chàm… ) khiến vận khí trong nhà bị ảnh hưởng.
Trong phong thủy, nền tượng trưng cho đất, trần nhà là trời, tường là con người. Do đó, nên chọn màu đậm hơn, trần nhà màu nhạt hơn, con người ở giữa là trung tính.
Xây nhà vệ sinh đối diện cửa chính, nằm trên thân long mạch
Nhà vệ sinh đối diện cửa chính, cửa phòng ngủ, bếp nấu đều không tốt về phong thủy. Nhiều trường hợp còn thiết kế nhà vệ sinh đúng trên thân long mạch, chặn vượng khí, phúc khí của gia chủ.
Đặt nhà vệ sinh ở giữa trung tâm ngôi nhà
Nhiều người xây nhà không có kế hoạch bản vẽ trước. Đến khi hoàn thiện thì ngớ người vì nhà vệ sinh lại nằm ở trung tâm ngôi nhà. Đây là một lỗi sai cơ bản về phong thủy cần tránh. Bởi vì nhà có phòng vệ sinh ở trung tâm thì con người ở đó dễ mắc bệnh về tim.
Ngoài ra:
- Bố trí nhà vệ sinh ở phương Càn có thể làm giảm tuổi thọ.
- Ở phương hợi thì bệnh tật kéo đến.
- Phương Tý thì gây hại nhân khẩu trong gia đình. Gia chủ cần tránh những hướng này.
- Nhà vệ sinh hướng Tây dễ gặp bệnh hô hấp.
- Hướng Tây Bắc khiến nam giới dễ mắc bệnh về xương, tóc bạc sớm.
- Hướng Đông Bắc hay gặp bệnh da liễu.
Do đó mà vị trí chính xác của nhà vệ sinh phải được tính toán cực kỳ kỹ lưỡng. Về phong thủy, cần kết hợp cả Tiên thiên bát quái với Cửu cung Phi Tinh đồ và tám phương vị.
Xây nhà bếp, nhà vệ sinh trên 4 tuyến chẵn lẻ của ngôi nhà
Gia chủ cũng cần tránh xây nhà bếp hoặc nhà vệ sinh trên 4 tuyến đường chẵn lẻ của căn nhà. Bởi vì theo phong thủy, “Thủy Hỏa không được đứng ở ngã tư”. Đây là những vị trí “giao nhau” cực kỳ quan trọng. Trong khi bếp núc, nhà vệ sinh lại là nơi không sạch sẽ. Nó vừa khiến ngôi nhà mất mỹ quan lại làm cho khí uế tràn vào các phòng khách. Sống lâu ngày không khỏi ảnh hưởng sức khỏe con người.
Xây 3 nhà liền kề trên 1 thửa đất riêng lẻ
Xây 3 nhà liền kề nhau trên 1 thửa đất riêng lẻ, bên cạnh không còn nhà khác là điều không tốt. Đặc biệt không đem lại lợi ích cho gia chủ sống ở căn giữa. Khi đó, nhà ở giữa không còn được hưởng nhiều sinh khí như 2 căn bệnh cạnh, phạm vào thế tam liên bại lộc trung chỉ.
Do đó, nếu có thửa đất lớn, các anh chị em trong nhà muốn xây nhà cạnh nhau thì nên cân nhắc. Mặt khác mỗi thửa đất sẽ có một phần sinh khí riêng. Việc chia lẻ là điều tốt, lại càng không nên chia 3.
Bài viết liên quan: Tại sao nhà liền kề lại rẻ? Có nên mua nhà liền kề không?
Xây nhà quá to nhưng neo người
Không chỉ tốn kém về mặt chi phí, xây nhà quá to nhưng gia đình ít người thực tế cũng không tốt về mặt phong thủy. Nhà rộng, nhiều phòng, ít người tạo cảm giác vắng lạnh. Điều này làm mất cân bằng âm dương, phạm vào chữ Tịch (vắng vẻ).
Bài viết liên quan: Có nên xây nhà quá to không?
Xây nhà theo các kiểu dáng quá đặc biệt
Xây nhà theo nhiều kiểu dáng đặc biệt nhưng phong cách thiết kế không phù hợp có thể là con dao 2 lưỡi ảnh hưởng xấu đến phong thủy của nhà ở và người thừa hưởng.
Cụ thể, nhà có hình dáng đặc biệt không tốt về mặt phong thủy nên tránh xây gồm:
- Ngôi nhà có phía trái (nhìn từ mặt tiền hướng khí) dài hơn phía phải. Người ở sẽ khó xử sự mọi nhẽ.
- Nhà có dáng thót hậu – vuốt đuôi chuột (phía trước rộng, phía sau nhỏ dần). Ngôi nhà không có cảm giác an toàn.
- Xây nhà có phần mái bị nghiêng lệch về bên trái hoặc bên phải theo hướng khí.
- Xây nhà cạnh sườn núi nhưng lại có hình khối thiếu hụt ở các cạnh. Điều này có thể khiến gia đình gặp phải hung họa.
Nguyên tắc thiết kế các không gian hợp phong thủy khi xây nhà
Để gia chủ hoàn thiện ngôi nhà mới của mình một cách trọn vẹn, hợp phong thủy, các chuyên gia phong thủy của Kiến trúc Tây Hồ tổng kết lại những nguyên tắc thiết kế không gian nhà ở. Các phương án vừa đảm bảo phù hợp về mặt kỹ thuật lại hợp phong thủy, duy trì trường khí tốt trong nhà.
Hình thể và kích thước kiến trúc ngôi nhà
Theo phong thủy, hình thể và kích thước kiến trúc của ngôi nhà phải đảm bảo các yêu cầu: Viên – Bình – Trực – Tú.
- Viên: chỉ sự đầy đặn, thành khối, không quá góc cạnh, lồi lõm
- Trực: là sự ngay ngắn, không xô nghiêng lệch vẹo
- Bình: Là bằng phẳng, vững chắc, trên dưới đều nhau hoặc dưới to trên nhỏ. Không nên đảo ngược dưới nhỏ trên to, lại càng không nên nghiêng lệch.
- Tú: là yếu tố thẩm mỹ, đẹp đẽ, hài hòa, thanh thoát.
Không thể phủ nhận kiến trúc hiện đại, tư duy rộng mở cho phép con người thỏa sức sáng tạo hình khối ngôi nhà của mình. Từ đó tạo nên những công trình đẹp, hấp dẫn, khách biệt so với các dự án lân cận. Nhiều Kiến trúc sư trẻ vì tâm lý này mà cố gắng diễn họa theo ý tưởng “độc – lạ” của gia chủ mà không chú ý đến phong thủy. Rồi khi thi công mới “vỡ mộng”.
Song, hình khối kiến trúc cũng có ảnh hưởng lớn đến thu nạp sinh khí và thải độc khí. Tưởng tượng, trong nhà, dòng khí vận chuyển cũng giống như dòng nước. Nếu chúng bị cản trở sẽ gây tắc nghẽn, khó phân bổ. Tương tự, các mảng tường kiến trúc nhà ở không hợp “hướng khí” và sự dịch chuyển của khí sẽ gây ra nhiều tác hại tới con người sống ở trong đó.
Do đó, thiết kế kiến trúc nhà ở hiện đại đòi hỏi KTS phải có kiến thức, kỹ năng, nghiệm thực tế và cả tư duy sáng tạo. KTS cần linh hoạt áp dụng cho mỗi khu vực, không thể dập khuôn hay chạy theo sự sáo rỗng mà làm mất giá trị ban đầu. Lại gây ảnh hưởng đến phong thủy của gia chủ.
Phòng khách
Phòng khách nên đặt ở cung tốt theo Mệnh Quái của chủ nhà. Cụ thể là các cung quái có Du niên tốt là: Sinh Khí, Phúc Đức, Thiên Y, Phục Vị. Bố trí phòng khách ở vị trí thông thoáng, thuận tiện giao thông trong nhà.
Nếu trong nhà có 2 phòng khách thì không nên để kích thước bằng nhau. Cần phân chia rõ ràng phòng chính – phụ. Khi đó, phòng khách chính diện tích lớn hơn, đặt phía trước, phòng khách phụ diện tích nhỏ hơn.
Phòng ngủ
Phòng ngủ nên đặt ở cung tốt theo Mệnh Quái của chủ nhà. Nhưng sẽ chọn phương hướng đặt nội thất theo cung của người sử dụng phòng đó. Ví dụ, người Đông Tứ Mệnh sẽ chọn phòng ngủ ở cung tốt so với tuổi của chủ nhà. Tuy nhiên phòng sẽ nằm ở phương Bắc, Nam, Đông, Đông Nam. Ngược lại, người Tây tứ mệnh chọn phòng ngủ ở phương Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc.
Cửa phòng ngủ không đặt đối diện với cửa chính của nhà, cửa nhà vệ sinh, cầu thang, nhà bếp. Phòng ngủ master có nhà vệ sinh riêng thì đặt nhà vệ sinh ở góc có cung xấu và ở cuối chiều gió tự nhiên.
Nhà có nhiều phòng ngủ, không đặt các cửa phòng ngủ đối diện nhau. Sẽ bất tiện cho việc sinh hoạt.
Bố trí giường ngủ ở cung nhỏ tốt với Mệnh Quái của chủ nhà. Đặt giường theo hướng Bắc Nam trùng với trục từ trường của trái đất, giúp máu dễ lưu thông khi ngủ. Tuy nhiên nếu không nên quá cứng nhắc mà đặt chéo giường hoặc ngược ánh sáng tự nhiên.
Đầu giường không đối diện cửa chính và gương treo tường. Không nên có xà dầm ở đầu giường, khi ngủ sẽ có cảm giác bị đè nén. Phía trên thành đầu giường không nên treo gương.
Phòng làm việc, phòng học
Phòng làm việc hoặc phòng học riêng nên đặt ở cung tốt theo Mệnh Quái của chủ nhà. Còn vị trí cụ thể sẽ chọn theo Mệnh Quái của người sử dụng, nằm ở khu vực vượng khí tốt.
Hướng bàn làm việc nhìn về Sinh khí hoặc hướng có Du niên tốt theo mệnh quái của người sử dụng. Bàn làm việc nên đảm bảo các yêu cầu:
- Có ánh sáng tự nhiên ở phía trước hoặc bên trái.
- Không ngồi tựa vào cửa sổ hoặc góc tường.
- Bàn làm việc hoặc bàn học không nên đặt ở nơi gió lùa
Phòng thờ và bàn thờ
Nếu nhà xây nhiều phòng thì nên đặt phòng thờ ở khu vực riêng biệt. Chung cư, căn hộ có thể đặt phòng thờ chung với phòng khách. Bố trí phòng thờ ở cung tốt theo Mệnh Quái của chủ nhà.
Tuyệt đối không đặt phòng thờ đối diện nhà vệ sinh. Cũng không đặt dưới phòng khách, nhà vệ sinh, nhà bếp. Không đặt bàn thờ áp với tường nhà tắm hoặc nhà vệ sinh.
Bàn thờ nên làm bằng gỗ mới, không chắp vá, bát hương luôn tịnh. Đặt bàn thờ ở cung tốt, hướng theo phương tốt của Mệnh Chủ. Trường hợp trong nhà không được cả tọa và hướng tốt thì nên chọn ít nhất Hướng Tốt. Có nghĩa là hướng trông về phương có Du niên tốt: Sinh Khí, Phúc Đức, Thiên Y, Phục Vị.
Sau khi vào nhà mới, nên thắp hương tối thiểu 21 ngày liên tục, mỗi ngày 1 lần thắp. Điều này giúp cho gia tiên và thần linh có thể an vị trên bàn thờ mới.
Nhà bếp, bếp nấu
Nhà bếp nên đặt ở cung xấu theo Mệnh Quái của chủ nhà. Nhưng không đặt ở nơi đón gió chủ đạo, nhất là gió Đông Nam. Nếu bếp có cửa riêng, không đặt đối diện với các phòng ở và nhà vệ sinh, của chính hoặc cổng chính.
Bếp nấu đặt theo nguyên tắc Tọa hung hướng cát. Có nghĩa bếp nấu đặt ở cung xấu so với Mệnh Quái của chủ nhà và trông về hướng tốt.
Cần tránh đặt lò bếp ở các cung Tý (Thủy) và Ngọ (Hỏa). Không đặt bếp áp sát tường phòng ngủ. Bếp nấu cũng không đặt ở trên đường ống cấp thoát nước (lửa nước kỵ nhau). Cũng không đặt bếp nấu sát với chậu rửa rau, rửa bát, máy giặt. Vì lửa nước kỵ nhau.
Nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh đặt ở cung xấu với Mệnh Quái của chủ nhà. Nhưng không đặt ở vị trí đón gió vào, tương tự bếp nấu.
Tuyệt đối không đặt nhà vệ sinh trên long mạch. Cửa nhà vệ sinh không đối diện với cửa phòng ngủ, cửa bếp, phòng khách, bàn thờ, cửa chính.
Cầu thang
Cầu thang không đặt ở đúng tâm của ngôi nhà. Có nghĩa bậc cuối cùng của nhịp thang để bước chân lên sàn không rơi vào đúng tâm nhà. Kích thước bậc thang tiêu chuẩn là 150 x 300mm, không vượt quá 165x270cm.
Nên lấy bậc thang số lẻ – số Dương. Có thể áp dụng nguyên tắc Trường Sinh: Sinh – Vượng – Suy – Tử. Đếm sao cho số bậc rơi vào cung Sinh. Tóm lại, bậc thang là bội số của 4 cộng thêm 1 bậc (4n + 1). Số bậc thang thường lấy là: 5, 9, 17, 21.
Bài viết liên quan: Cách tính số bậc cầu thang nhà chuẩn phong thủy
Cửa đi và cửa sổ
Cửa đi và cửa sổ đặt trên cung tốt theo trạch quẻ của chủ nhà. Nhà nên có cửa chính phía trước và 1 cửa phụ mở phía sau. Điều này đảm bảo không khí lưu thông lại thoát nạn an toàn khi trong nhà có sự cố. Nhưng không để cửa chính – phụ đối diện nhau.
Độ cao của nền ngôi nhà
Độ cao của nền nhà không cần quá cao. Chỉ đặt khoảng 1, 3 hoặc 5 bậc. Kích thước tiêu chuẩn là cao 15cm rộng 30cm. Đặt bậc theo số lẻ, đây là số Dương dùng cho người trần mắt thịt.
Trường hợp không muốn làm 3 hoặc 5 bậc, có thể làm 2 hoặc 4 bậc. Nhưng xây thêm 1 bậc ngầm dưới đất. Khi đó gia chủ sẽ có tổng số bậc lẻ.
Đường cấp thoát nước trong nhà
Đường cấp thoát nước trong nhà nên bố trí theo nguyên tắc “Tả Thanh long hữu Bạch hổ”. Có nghĩa đường cấp nước sẽ đi vào từ bên trái hướng nhà. Còn đường thoát nước sẽ đi ra từ bên phải hướng nhà hoặc đằng sau.
Bể cá cảnh trong nhà
Trong nhà xây bể cá cảnh nên đặt ở bên trái hướng nhà (Tả Thanh long). Trong bể phải luôn có cá bơi.
Bài viết liên quan: Có nên làm hồ cá Koi trong nhà?
Tóm lại
Ngôi nhà được nghiên cứu thiết kế kỹ lưỡng về cả phong thủy và kỹ thuật sẽ giúp con người an tâm sinh sống, từ đó tạo ra phúc khí. Ngược lại, nếu một phương diện nào đó bị ảnh hưởng, không thuận, tất khiến tâm nghĩ ngợi, vận khí ảnh hưởng. Do đó, việc tìm hiểu những lỗi phong thủy cần tránh trước khi xây nhà là hoàn toàn cần thiết. Hy vọng bài viết của Kiến trúc Tây Hồ đã cung cấp thông tin hữu ích mà gia chủ tìm kiếm.